Links

24/12/09

Bí quyết thương lượng mức lương cao

Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi về lương bổng, bạn nên trả lời ra sao? Đừng vội vã nói ngay mức lương mà bạn mong muốn. Hãy khéo léo “hoãn” lại giây phút quan trọng này cho các buổi phỏng vấn sau. Chỉ cần nắm vững một số “bí kíp” và thêm một chút khéo léo, bạn sẽ dễ dàng thương lượng được mức lương mơ ước.

1. Có nên trả lời câu hỏi về lương bổng ngay ở vòng đầu cuộc phỏng vấn?
Bạn không nên, đặc biệt nếu đó là các vòng phỏng vấn đầu tiên và bạn chưa chắc mình được nhà tuyển dụng “chấm”. Nếu người phỏng vấn hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?”, bạn có thể trả lời một cách “vô thưởng vô phạt” như: “Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn sau.”

2. Đâu là mức lương thỏa đáng?

Nhiều ứng viên cho rằng họ xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thu nhập hiện tại vì cho rằng kinh nghiệm và trình độ của họ đã được nâng cao, vì họ sẽ phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, vì tình hình vật giá ngày một leo thang... Tuy nhiên, nhà tuyển dụng thường xét lương cho ứng viên dựa theo mức lương hiện tại và trách nhiệm mới mà ứng viên sẽ đảm nhận sau này. Vì vậy bạn cần đánh giá khách quan năng lực của mình để đưa ra mức lương phù hợp.

3. Khả năng thực sự là nhân tố quyết định mức lương của bạn
Để có mức lương mong muốn, bạn cần chứng minh được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Bạn nên tránh đề cập đến mức lương cũ nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Nhưng nếu nhà tuyển dụng muốn biết mức lương hiện tại, bạn hãy cho họ biết và trình bày sự khác biệt giữa công việc cũ và công việc ứng tuyển, nhấn mạnh những nhiệm vụ mới mà bạn sẽ đảm trách.

Đừng bao giờ giải thích vì sao bạn muốn lương cao hơn mức hiện tại bằng những lý do trẻ con như “Công ty tôi trước đây ở Bình Dương, chi phí sinh hoạt khá thấp. Nay Quý công ty tọa lạc ở khu vực trung tâm nên chi phí sẽ đắt đỏ hơn…”

4. Trực tiếp hỏi về mặt bằng lương trong công ty
Xin chúc mừng, bạn đã vào được vòng phỏng vấn cuối cùng và giây phút quan trọng đã đến rồi đây. Nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn “Anh/Chị đề nghị mức lương bao nhiêu?” Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng “Ông/Bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?” hoặc “Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này?” Câu trả lời của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn định được mức lương phù hợp.

5. Khéo léo trao đổi về lương bổng
Bạn nên tránh những câu trả lời như “Đối với tôi, lương bổng không phải là vấn đề quan trọng nhất, tôi mong muốn được học hỏi và rèn luyện trong một môi trường năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp như Quý công ty…” Đây quả là câu trả lời làm “mát lòng mát dạ” nhà tuyển dụng. Nhưng cẩn thận đấy, nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng bạn thiếu kinh nghiệm, nên có cơ hội gì đến là nhận ngay mà không cần cân nhắc mức lương. Khi đó bạn sẽ mất cơ hội thương lượng được mức lương mong muốn.

6. Cân nhắc vấn đề “lương + bổng”
Người Việt Nam rất chính xác khi dùng cụm từ “lương bổng”. Nghĩa là ngoài “lương” (salary), bạn còn được hưởng “bổng” (benefit). Bổng là các lợi ích khác ngoài lương chính thức mà bạn được hưởng từ công ty và không phải chịu thuế. Vì vậy khi thương lượng lương, bạn nên lưu ý các ”bổng” khác ngoài lương như lương tháng 13, tiền thưởng (bonus) hàng năm, chi phí giải trí, chi phí khám bệnh, cơ hội đào tạo, được chia cổ phần của công ty… Nếu bạn được tuyển vào công ty, hãy yêu cầu nhà tuyển dụng nêu rõ và cụ thể những nội dung này trong thư mời làm việc (offer letter).

Ngoài ra, hãy nhớ rằng lương ròng (net salary) sẽ là mức lương sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…

7. Làm gì khi bạn rất thích công việc nhưng mức lương không như mong đợi?
Trong trường hợp bạn rất thích công việc và được nhà tuyển dụng mời làm việc, nhưng mức lương không như bạn mong đợi, đừng vội từ chối ngay mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm. Điều đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công việc. Vài ngày sau buổi phỏng vấn, bạn hãy gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có quyết định nào khác về mức lương mà bạn mong muốn hay không. Khi đó, bạn có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

2/12/09

6 mẹo giúp bạn đổi việc thành công

Bạn đang có kế hoạch thay đổi việc làm và đang cân nhắc những yếu tố giúp bạn thành công. Một số mẹo nhỏ có thể giúp bạn với điều kiện bạn suy nghĩ thật nghiêm túc để không phạm sai lầm nào ở “hành trình” tiếp theo của mình.

1. Biết rõ mình muốn
2. Bạn có thế mạnh trong lĩnh vực nào
3. Lương cao chưa phải là lý do hàng đầu
4. Bạn yêu thích và đam mê công việc nào
5. Chuẩn bị một CV thật ấn tượng
6. Tạo dựng và phát triển tốt các mối quan hệ

Xem chi tiết bài viết tại Vietnamworks.com

18/9/09

Nghề Sales - Bán hàng bằng cả trái tim


Bất cứ ai cũng hiểu rằng đội ngũ nhân viên bán hàng (salesman, seller) năng động và hiệu quả là yếu tố thành công chính cho sự phát triển thịnh vượng của hầu hết các công ty trong môi trường kinh doanh ngày nay. Chính vì vậy, nghề sales (bán hàng) đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn và đầy lôi cuốn với lao động trẻ. Và hấp dẫn hơn, không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng mới làm sales được. Bạn còn mong đợi gì hơn thế nữa?

Thành công hay thất bại của một nhân viên bán hàng được đo đếm bằng chính doanh thu mà họ mang đến cho công ty.

Nhân viên sales thường được biết đến như những người có tài ăn nói, lanh lợi và nhất là khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng (KH). Đạt được điều đó đòi hỏi mỗi người làm sales luôn phải nỗ lực trong công việc.

Tiềm năng nghề sales

Có không ít người có thái độ không tốt đối với những nhân viên sales bởi họ cho rằng những người đó là những người tiếp thị, chuyên gõ cửa từng nhà để ra bán những thứ hàng hóa ế ẩm, chất lượng thấp bằng cái giọng lưỡi vô cùng dẻo. Thậm chí, còn có người cho rằng những người làm sales là những “chuyên gia đeo bám” cho đến khi KH chấp nhận mua những hàng hóa chất lượng thấp của họ mới thôi. Họ cho rằng chỉ những người không có việc làm, những người trình độ thấp mới đi làm nghề này…

Nguyên nhân nảy sinh ra những thái độ chủ quan đó là do đã từng có một thời gian xuất hiện không ít những người bán hàng như vậy. Những người làm sales chuyên nghiệp gọi những người này là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trên thực tế, ngày nay, nghề sales đang thu hút rất nhiều bạn trẻ năng động muốn thử sức với lĩnh vực kinh doanh buôn bán đầy tiềm năng.

Không ít người trong chúng ta luôn nghĩ, việc trở thành một salesman giỏi thực sự là một viễn cảnh xa vời, đặc biệt khi bạn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trái ngược với suy nghĩ ấy, trong chia sẻ của mình, những người kỳ cựu trong nghề lại có một viễn cảnh rộng mở cho bạn, nếu bạn thực sự thích làm sales.

Thị trường rộng mở cho phép KH có rất nhiều sự lựa chọn cùng một dòng sản phầm (SP) cho nhu cầu của mình. Nhân viên sales chính là một cầu nối liên kết giữa KH với SP của công ty mình. Ngoài khoản thu nhập cố định ra, phần trăm hoa hồng nhận được sau mỗi chữ kí của khách hàng sẽ đem đến cho seller một cuộc sống khá sung túc.

Được đánh giá là một trong những nghề năng động nhất hiện nay, sales thu hút không ít bạn trẻ, trong đó có không ít là giới sinh viên ngay từ khi còn đi học hay mới ra trường. Tùy vào từng công ty với những sản phẩm đặc thù mà yêu cầu có khác nhau cho các ứng viên. Tuy nhiên, nói chung thì điều kiện không quá cao, cơ bản là khả năng giao tiếp mềm dẻo, năng động, linh hoạt. Môi trường làm việc của nghề sales cũng rất sôi động vì sự cạnh tranh giữa các seller luôn luôn tồn tại. Họ cạnh tranh nhau bằng uy tín, năng lực số lượng đối tác tìm được cũng như khối lượng hàng hóa bán ra.

Salesman - Anh là ai?

Trong marketing, lực lượng bán hàng được xem là một công cụ truyền thông cá thể hiệu quả. Người bán hàng không chỉ truyền thông điệp đến KH về lợi ích và tính ưu việt của SP mà còn thu nhận lại phản hồi của KH về SP đó cho công ty. Điều này làm cho nhân viên bán hàng trở thành một công cụ truyền thông hữu hiệu nhất trong tất cả các công cụ truyền thông.

Nhân viên bán hàng là chiếc cầu nối giữa KH và doanh nghiệp. Người làm sales vừa phải bảo đảm lợi ích của công ty mình: bán được SP với đúng giá mang lại lợi nhuận, vừa phải chăm sóc quyền lợi của KH: mua được SP ở mức giá phải chăng, giúp họ sử dụng SP của mình một cách hiệu quả nhất và mang lại lợi ích cao nhất cho KH.

Công việc của một salesman:

- Tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ với KH, đàm phán ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh, marketing của ban lãnh đạo, báo cáo số lượng, phản hồi từ KH và tình hình kinh doanh.

- Lập và triển khai kế hoạch bán hàng, đốc thúc các bộ phận thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết.

- Cung cấp thông tin SP, khuyến mãi, và giá cả qua việc xác định các yêu cầu KH; tư vấn cho KH trong việc tìm địa điểm, ngân sách, tiến độ, chất lượng phù hợp với nhu cầu sử dụng và lựa chọn phương án tối ưu.

- Liên lạc thường xuyên, thuyết trình phương án, theo đuổi và thuyết phục KH ký hợp đồng.

- Phát triển và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, bền vững với KH, chủ động tìm kiếm nguồn KH mới...

Những tố chất cần có của 1 saleman

- Khả năng giao tiếp và đàm phán tốt là những tố chất không thể thiếu của một nhân viên sales giỏi. Đặc biệt, trong kinh doanh SP vô hình như ngành dịch vụ, khi tạo dựng được mối quan hệ tốt với KH, bạn đã đạt được 80% cơ hội thành công. Vì thế kỹ năng mềm (kỹ năng lắng nghe, nắm bắt tâm lý KH, khả năng nói trước công chúng...) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. (tạo link ở chữ tui tô vàng đó)

- Phải có kiến thức chuyên sâu về SP để "đụng đâu biết đấy" chứ không ú ớ khi KH thắc mắc. Phải làm cho SP của mình được đối tượng thấy nhiều ưu điểm so với các SP cùng loại khác. Đây là một yếu tố rất quan trọng vì chỉ khi bạn hiểu bạn đang bán cái gì thi bạn mới bán được nó.

- Có vốn hiểu biết sâu rộng: Người làm sales không nên chỉ là một nhân viên kinh doanh thuần túy vì họ cần có khả năng tư vấn cho KH, họ phải biết cách nói như thế nào để tăng khả năng thuyết phục người nghe. Vì vậy, không những phải trau dồi hiểu biết về SP, dịch vụ của công ty, họ còn phải cập nhật kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội và cả nghệ thuật nữa. Ví dụ, để thắt chặt mối quan hệ với KH, nhân viên sales nên biết trò chuyện với KH về đề tài họ quan tâm, chắn chắn họ sẽ có nhiều thiện cảm tốt dành cho bạn. Và “9 người thì 10 ý”, vì vậy bạn nên chuẩn bị cho mình kiến thức ở nhiều lĩnh vực để có thể nói chuyện trong nhiều đề tài khác nhau mà KH quan tâm. Chính vì vậy, có thể nói rằng, nghề sales như một công việc đi kết bạn, đi chia sẻ những điều tốt nhất cho khách hàng của mình.

- Linh hoạt để nắm bắt nhu cầu của KH nhằm đáng ứng đúng cái mà họ đang cần. Năng động để hiểu tâm lý, khéo léo hướng KH lựa chọn SP của mình. Công đoạn từ tìm kiếm KH đến việc KH lựa chọn SP trải qua rất nhiều giai đoạn và khâu chuẩn bị. Bạn phải luôn bám sát tâm lý của KH để có thể phục vụ KH kịp thời.

- Nhân viên sales thường xuyên chịu áp lực về doanh số, áp lực từ KH… Một thực tế đầy thách thức đối với nhân viên sales là họ phải chứng tỏ được khả năng của mình thông qua kết quả kinh doanh đạt được. Vì vậy nghề sales đòi hỏi nhân viên phải có khả năng chịu đựng áp lực cao và tinh thần thép để vượt qua những thách thức đó. Họ còn phải linh hoạt để thích nghi với nhiều thay đổi và tìm ra giải pháp thích hợp cho từng vấn đề.

- Nhân viên sales là người có bản lĩnh cao. Họ luôn phải đối đầu với những cái lắc đầu, những lời từ chối và đôi khi là thái độ thiếu thiện cảm. Trong 10 lần chào hàng thì có lẽ chỉ có 1 lần KH đồng ý. Nếu là những người mới vào nghề thì thật khó khăn khi phải đương đầu với những lời từ chối ấy. Tuy nhiên, salesman chuyên nghiệp là người kiên trì, đôi khi là lì lợm và có bản lĩnh cao nên họ có thể vượt qua những sự từ chối đó.

- Mặt khác, công việc bán hàng cũng là một nghệ thuật nên mỗi seller cũng phải có tư chất riêng thì mới đem lại kết quả mong muốn. Ví dụ, vẻ bề ngoài của seller cũng là một trong những nhân tố giúp họ có được hợp đồng, thế nên, các seller thường "tút" lại ngoại hình sao cho "pro" một chút, đủ để họ tự tin, năng động trước những KH khó tính.

Học nghề sales ở đâu?

Hiện nay, có rất nhiều địa chỉ và các khóa học đào tạo, nâng cao kĩ năng bán hàng chuyên nghiệp tại các trung tâm như:

- Ở Hà Nội: Language Link Việt Nam - Corporate Link, Trung tâm Đào tạo Quản trị Kinh doanh Inpro, Công ty GK Corporation - Vietnam Learning...

- Ở TP.HCM: Trung tâm Giáo dục và Đào tạo StudyLink International, K.A.S Professional Sales Training, Thư viện Chuyên khảo Tiếp thị và Quảng cáo - VietNam Marcom, Trường Quản trị Tiên Phong (PSM), Học viện Giám đốc - Trường Doanh nhân PACE...

Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm đọc các cuốn sách của những người thành công trong lĩnh vực này viết như: Kinh thánh về Nghệ thuật Bán hàng của Jeffrey Gitomer, Để trở thành người bán hàng xuất sắc của Jeffrey J. Fox, 100 ý tưởng bán hàng hay nhất mọi thời đại của Ken Langdon, Bán hàng tức thì của Cyril Charney, Người bán hàng một phút của Spencer Jonhson…
(Nguồn bài viết: www.hieuhoc.com)

Những kỹ năng vàng cho Sales

Khi tuyển người vào vị trí nhân viên sales (nhân viên kinh doanh), hay cao hơn là quản lý sales, nhà tuyển dụng cần ở ứng viên những kỹ năng gì?
Dưới đây là những kỹ năng vàng mà các nhà tuyển dụng hàng đầu mong muốn ở người làm sales:
Khả năng giao tiếp và đàm phán tốt
Là những tố chất không thể thiếu của một nhân viên sales giỏi. Bằng khả năng giao tiếp, thuyết phục và đàm phán của mình, bạn có thể tạo dựng nên các mối quan hệ tốt với những khách hành tiềm năng hay các đối tác kinh doanh, các đại lý kinh doanh… Khả năng giao tiếp này được thể hiện ở việc bạn có thể giao tiếp tốt thông qua nhiều hình thức như gặp mặt trực tiếp, email, thư tay hay điện thoại. Một khi đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với khách hàng thì bạn đã đạt được 80% cơ hội thành công. Bởi vậy, bạn hãy trau dồi trả năng giao tiếp, thuyết trình của mình ngay từ bây giờ bằng cách tập nói nhiều hơn với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay tham gia một khóa học giao tiếp bài bản.
Linh hoạt, nhạy bén
Để nắm bắt nhu cầu của khách hàng nhằm đáng ứng đúng cái mà họ đang cần. Năng động để hiểu tâm lý, khéo léo hướng khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình. Công đoạn từ tìm kiếm khách hàng đến việc khách hàng lựa chọn sản phẩm trải qua rất nhiều giai đoạn và khâu chuẩn bị. Vì vậy, bạn phải luôn bám sát tâm lý của khách hàng để có thể phục vụ họ kịp thời.
Phải có kiến thức chuyên sâu về sản phẩm mình bán
Để “đụng đâu biết đấy” chứ không ú ớ, quên quên nhớ nhớ kiểu “Hình như sản phẩm này có công dụng là…” khi khách hàng thắc mắc. Phải làm cho sản phẩm của mình được đối tượng thấy nhiều ưu điểm so với các sản phẩm cùng loại khác. Đây là một yếu tố rất quan trọng vì chỉ khi bạn hiểu bạn đang bán cái gì thi bạn mới bán được nó.
Có vốn hiểu biết sâu rộng
Người làm sales không nên chỉ là một nhân viên kinh doanh thuần túy vì họ cần có khả năng tư vấn cho khách hàng, họ phải biết cách nói như thế nào để tăng khả năng thuyết phục người nghe. Vì vậy, họ cần phải có kiến thức về kinh tế, văn hóa, xã hội và cả nghệ thuật nữa để có thể nói chuyện được với nhiều người với những sở thích, mối quan tâm khác nhau. Chính vì vậy, có thể nói rằng, nghề sales như một công việc đi kết bạn, đi chia sẻ những điều tốt nhất cho khách hàng của mình.
Nhân viên sales thường xuyên chịu áp lực về doanh số và từ phía khách hàng
Một thực tế đầy thách thức đối với nhân viên sales là họ phải chứng tỏ được khả năng của mình thông qua kết quả kinh doanh đạt được. Vì vậy nghề sales đòi hỏi nhân viên phải có khả năng chịu đựng áp lực cao và tinh thần thép để vượt qua những thách thức đó. Họ còn phải linh hoạt để thích nghi với nhiều thay đổi và tìm ra giải pháp thích hợp cho từng vấn đề.
Nhân viên sales là người có bản lĩnh cao
Họ luôn phải đối đầu với những cái lắc đầu, những lời từ chối và đôi khi là thái độ thiếu thiện cảm. Để có thể có được một lần khách hàng đồng ý thì họ phải mất 10, 20 hoặc có thể nhiều hơn nữa những lần chào hàng. Nếu bạn là người mới vào nghề thì thật khó khăn cho bạn khi phải đương đầu với những lời từ chối ấy. Tuy nhiên, salesman chuyên nghiệp là người kiên trì, đôi khi là lì lợm và có bản lĩnh cao nên họ có thể vượt qua những sự từ chối đó. Bạn hãy đếm những lần khách hàng gật đầu với bạn, còn những lần từ chối thì hãy quên nhanh đi và coi rằng đó là những trở ngại mình cần phải vượt qua để đạt được sự thành công lớn hơn.
Luôn giữ nụ cười trên môi và bề ngoài chỉn chu
Bạn luôn cởi mở, tươi cười thì khách hàng tiềm năng của bạn mới có hứng thú nói chuyện với bạn chứ chưa phải nói đến chuyện họ đồng ý mua hay hợp tác với bạn thì còn đòi hỏi cao hơn. Vẻ bề ngoài gọn gàng, gương mặt sáng sủa, đầu tóc gọn gàng, quần áo hợp thời, lịch sự vừa giúp người làm sales tự tin hơn vừa cho khách hàng thấy vẻ chuyên nghiệp, lịch sự của họ.

Bên cạnh đó, người làm sales cần phải có thêm những nhân tố quan trọng sau:
  • Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
  • Sử dụng thành thạo các ứng dụng văn phòng như: Word, Excel, PowerPoint, Outlook và Internet.
  • Hiểu biết về internet và website, quảng cáo trực tuyến.
  • Phối hợp trong nhóm kinh doanh tốt.
Trên đây là những điều kiện chung cho nghề sales. Nếu bạn muốn đạt được đến vị trí quản lý sales (giám sát bán hàng, trưởng phòng kinh doanh, giám đốc kinh doanh) thì không những phải hoàn thiện các điều kiện trên kia mà các bạn còn cần phải có khả năng quản lý, phối hợp các nhân viên sales.


Nguồn bài viết: www.saga.vn

14/9/09

Học kinh doanh từ "Bố già Corleone"

Bộ phim Bố Già (the Godfather) đạt giải thưởng Academy năm 1972, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Mario Fuzo đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ ai từng xem qua. Don Vito Corleone (Marlon Brando thủ vai) là một ông trùm đầy thế lực trong xã hội, điều hành việc kinh doanh gia đình với sự trợ giúp của những người con và hầu cận thân tín. Những bài học dưới góc độ kinh doanh từ Don Corleone mang lại nhiều gợi ý đáng suy ngẫm cho những ai đang và sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh một cách nghiêm túc.

Không bao giờ vô ơn khi được giúp đỡ

Henry Ford có lần đã nói: "Sự chính trực rất quan trọng trong thành công kinh doanh - một khi bạn gian dối, lúc nào bạn cũng phải gian dối." Ngày nay uy tính đối với một doanh nhân là tất cả. Khi một người nào đó giúp bạn, đứng về phía bạn, hãy biết ơn họ. Bạn nợ anh ta, cho dù người đó có nói ra hay không. Nếu bạn tỏ ra là một người vô ơn, những người khác sẽ chú ý điều đó. Họ biết rằng sẽ chẳng hay ho gì khi giúp đỡ hay làm ăn với bạn, mà biết đâu lại trở thành một nạn nhân khác. Hãy chú ý.

Đi theo tình bạn, đừng với những đồng đôla

Kinh doanh - tất cả là những mối quan hệ. Một điều thực tế là nếu anh có tất cả tiền trên thế giới mà không có ai chia sẻ niềm vui cùng thì cũng chẳng hay ho gì. Đó là lý do vì sao nhiều cuộc làm ăn lớn diễn ra trên bàn ăn, quán bar nghi ngút ngói, hay trên sân golf. Phong cách làm ăn này cũng cho thấy: dù có một gã khác chào giá hời hơn, bạn vẫn muốn làm ăn với những người quen biết, tin tưởng, và đã có những quãng thời gian thú vị cùng nhau.


Hãy chú ý sau lưng

Bất cứ thứ gì, và ở bất cứ đâu, khi mà những nguồn lực là hữu hạn, sẽ luôn có những người hứa hẹn một đằng làm một nẻo. Nấc thang danh vọng được leo lên trên đôi lưng của những kẻ khác. Hãy biết rõ đâu là bạn và kẻ thù, đừng để mình rơi vào tình trạng khó khăn có thể gây thiệt hại đáng tiếc.


Đừng bàn chuyện làm ăn trên bàn ăn gia đình

Một điều quan trọng mà những gia đình mafia lâu đời luôn tuân theo: hãy để gia đình có những khoảnh khắc thư giãn trong thời gian này. Nhiều cuộc nghiên cứu đã tìm ra ảnh hưởng tâm lý xấu đối với những đứa trẻ khi chúng nghe cha mẹ bàn chuyện làm ăn. Bọn trẻ sẽ cảm thấy lo lắng về tương lai, nghĩ rằng tiền bạc là thứ duy nhất có giá trị trong cuộc sống, hoặc giảm đi niềm vui được trò chuyện cùng người thân gia đình. Vậy nên hãy giữ công việc nằm lại ở văn phòng.


Không có chỗ cho chuyện cá nhân

Nghe có vẻ kỳ lạ so với bài học thứ hai, tuy nhiên bài học này tập trung vào cách bạn đưa ra những quyết định. Nếu bạn leo lên được một vị trí cao hơn, tốt hơn hết là bạn thực sự có khả năng như vậy, chứ không có nghĩa là bạn có mối quan hệ thân thiết. Nếu khách hàng thân thiết của bạn bỏ đi, và bạn không làm gì sai cả, hãy cảm ơn anh ta vì cả hai đã có một thời gian tốt đẹp với nhau, và tiếp tục tiến về phía trước - đây không phải là chuyện cá nhân, và nó lại càng không đáng mất thời gian để buồn khổ vì điều đó. Tương tự, nếu như bạn phải đưa ra quyết định, cần chắc chắn rằng mình đã tách biệt ra khỏi nó hoàn toàn về mặt cảm xúc. Nhất định nó phải hoàn toàn mang ý nghĩa của việc kinh doanh mà thôi.
(Nguồn: doanhnhan360.com)

10/7/09

Chuyện hai con thằn lằn

Họ viết rằng “This is a true story that happened in Japan” (Chuyện có thật xảy ra tại Nhật Bản):

Để trùng tu lại ngôi nhà đang ở, một người Nhật Bản nọ đã phải tháo hết các bức tường của căn nhà ấy. Thông thường giữa những bức tường gỗ của nhà tại Nhật đều có một khoảng trống nhỏ. Trong khi hạ một bức tường xuống, ông ta nhìn thấy có một con thằn lằn bị kẹt trong đó vì một chiếc đinh từ ngoài đóng vào đã giữ một chân của nó dính chặt vào tường. Nhìn thấy cảnh tượng đó, người ấy rất thương tâm đồng thời cũng rất tò mò . Khi ông xem xét lại chiếc đinh thì ông khám phá ra rằng nó đã được đóng vào đó từ 10 năm trước khi ngôi nhà được xây.

Trong cái khung hẹp tối đen của vách tường, con thằn lằn đã sống sót trong hoàn cảnh đó suốt 10 năm trời không hề xê dịch một bước nào vì chân của nó đã bị đóng dính chặt vào vách gỗ! Ông thắc mắc làm cách nào nó có thể sinh tồn trong ngần ấy năm vì đây là một chuyện không thể nào xảy ra được và không thể tin được.

Thế là ông ngưng công việc đang làm, ngồi yên quan sát con thằn lằn để biết nó làm gì và làm thế nào để có cái ăn. Một lát sau, không biết từ đâu một con thằn lằn khác xuất hiện miệng ngậm thức ăn bò đến cạnh con thằn lằn bị nạn …

À ra thế! Ông ta cảm thấy thật bất ngờ và cảm động vô cùng. Một con thằn lằn khác đã “tiếp tế” cho con thằn lằn bị nạn trong suốt 10 năm! Nghĩa cử ấy cao cả và đẹp biết bao! Một tình thương to lớn đã xảy ra trong thế giới một loài sinh vật nhỏ nhoi. Tình yêu, tình thương đã làm nên những phép lạ! Một con thằn lằn bé nhỏ đã kiên nhẫn nuôi sống bạn mình ròng rã 10 năm không bỏ cuộc chính nhờ tình yêu thương đồng loại của nó.

From Le thy 'blog

2/7/09

Nghệ thuật thương thuyết: Biết người, biết ta và câu chuyện của thằng Bờm

Đọc lại bài thơ dân gian “Thằng Bờm” và luận bàn về nghệ thuật thương thuyết.

Tôi đã từng dẫn đoàn đi thương thuyết, cũng như đã được dự những cuộc thương thuyết hào hứng hồi còn là kỹ sư trẻ tuổi. 40 năm làm việc rong ruổi khắp năm châu, tôi đúc kết cho mình một bài học: những cuộc thương thuyết thành công mỹ mãn là khi đôi bên có những nhà lãnh đạo sắc sảo áp dụng những chiến thuật đơn giản, ngồi vào bàn đàm phán với lòng chân thật nhất và biết rõ “phe mình” muốn gì, “phe trước mặt” muốn gì.
Cả hai bên đều hiểu được lý do tại sao cùng ngồi lại với nhau, dù “đi guốc trong bụng nhau” vẫn giúp nhau đạt đến mục đích tối hậu.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận trên thương trường đã có những cuộc đàm phán thành công nhờ mánh khóe, chiến thuật lắt léo, nghĩ một đằng nói một nẻo… Nhưng kinh nghiệm cho thấy những cuộc đàm phán trong tinh thần dối trá nhau thường kéo dài vô ích, và hai bên khó đi đường dài cùng nhau.
Trong những lớp cao học quy hoạch vùng và kinh tế đô thị mà tôi dạy từ bốn năm nay tại trường Đại học Kiến trúc TPHCM, tôi thường nói về chuyện thằng Bờm để tô điểm thêm cho nghệ thuật thương thuyết. Tôi dạy không chán về thằng Bờm, vì càng dạy càng thấy phải học nhiều nơi thằng bé chất phác của văn học dân gian. Trước khi bàn tiếp về nghệ thuật thương thuyết, hãy đọc lại mấy câu thơ rất quen thuộc:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

Chỉ vỏn vẹn 10 câu thơ, nhưng lại có nhiều điều làm cho ta ngẫm nghĩ.
Câu đầu tiên đã đặt vấn đề một cách tuyệt vời! Thằng Bờm có cái quạt mo, nó có vật để thương thuyết! Bạn cho là quá đơn giản ư? Không đâu. Thằng Bờm tượng trưng cho một phe, và biết mình có gì. Suốt cuộc đời đi đàm phán, đã nhiều lần tôi chứng kiến cảnh phe bên kia ngồi vào bàn đàm phán nhưng không biết đích xác họ cần bàn về cái gì!
Đôi khi tôi ngồi trước mặt một đoàn gồm năm, sáu bộ ngành, mỗi bộ có một vật thương thuyết khác nhau trong ý nghĩ của họ, mỗi bộ muốn một giá khác nhau, một công nghệ khác nhau, một thời biểu giao hàng riêng biệt. Vậy thử hỏi người bán hàng trước mặt làm sao đàm phán: bán cái gì, bán cho ai?
Rồi khi đàm phán tạm gọi là xong, đến khi trả tiền phải gọi đến bộ tài chính, lúc đó mới ngã ngửa ra là không có tiền, hoặc phải tài trợ kiểu này kiểu nọ mới được! Trong câu thơ đầu tiên, “quạt” tượng trưng cho vật sẽ trao đổi, rất rõ ràng. “Mo” tượng trưng cho công nghệ đích xác sẽ được mua!
Đến câu: “Phú ông xin đổi…” lại còn tuyệt vời hơn! Các bạn chắc không mường tượng được quyền thế của một phú ông ngày xưa. Vậy mà ông ấy không đòi, không muốn, không bắt, không trịch thượng hoặc dùng quyền thế, mà lại xin đổi. Phải coi đây là một cử chỉ có tính cách nể nang. Khi bạn thương thuyết với ai, bạn nhớ phải kính trọng đối phương, bằng không sẽ thất bại. Ôi bài học quý giá! Tôi nhớ cứ mỗi lần thương thuyết tại những quốc gia có nền văn hóa không cao, những người ngồi trước mặt thường cho tôi cảm tưởng họ chỉ muốn dùng quyền thế, súng ống, hoặc sự hối lộ bừa bãi để sớm đạt kết quả.
Phú ông tinh vi lắm, muốn đánh đổi. Việc đổi là nguyên tắc căn bản của một cuộc thương thuyết: không bên nào có thể cướp của bên nào cả, vì không có bên nào dại bạn ạ. Thằng Bờm cũng như tất cả mọi người, không dại đâu! Vậy nếu không lấn áp, thì làm cách nào để đi tới kết quả?
Phú ông rất sắc sảo khi bắt đầu rà soát, tiếng Anh gọi là “scan”. Ông hỏi Bờm có thích trâu bò là súc vật đồng áng, cá mè là lương thực, gỗ lim là vật tượng trưng cho xây cất, chim đồi mồi tượng trưng cho một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng Bờm cũng chẳng kém! Khi nghe thấy “3 bò 9 trâu”, Bờm không phản ứng, cũng chẳng đòi 6 bò 12 trâu! Bờm hiểu đó là một cuộc rà soát về thực thể của vật đánh đổi! Sự sắc sảo đến không ngờ!
Rồi đến khi nghe thấy xôi, Bờm trúng ý, Bờm cười! Một cuộc thương thuyết phải kết thúc trong sự vui vẻ, đôi bên đều thấy có lợi, tiếng anh gọi là “win - win”. Hơn thế nữa, bất thình lình đang nói chuyện số lượng 3 bò 9 trâu, một xâu cá mè, một bè gỗ lim… nhưng rồi chỉ cần một nắm xôi…Thằng Bờm dạy cho ta bài học đừng đòi hỏi quá nhiều, nên tìm số lượng tương đương, nếu có lãi thì cũng nên nhẹ tay thôi. Chúng ta phải nhìn nhận trong cả cuộc thương thuyết, nắm xôi và cái quạt mo là hai vật tương đương giá trị… Giữ lòng người, không ác tâm mới là thượng sách. Cũng vì vậy mà có sự tươi cười nhẹ nhàng, đôi khi chất phác để đi tới kết quả.
Chắc chắn Bờm và phú ông đã trở thành hai người bạn, dù có sự chênh lệch xã hội giữa hai người. Người ta mường tượng được rằng phú ông sẽ nói: “Bờm ơi, nếu còn cái quạt mo nào nữa thì lại gọi cho ông nhé!”. Còn Bờm thì trả lời: “Còn xôi thì còn quạt mo, còn Bờm cười, phú ông ạ!”.
Tạm gọi thế là tri kỷ!
Trong suốt cuộc đời thương thuyết, tôi đã có nhiều kỷ niệm tốt với đối thủ và chúng tôi trở thành bạn tri kỷ, trong đó có những người bạn Thái Lan, Indonesia, Hà Lan, Chile... Ngược lại, tôi cũng xin thú nhận đã ôm ấp trong lòng những mối sầu thương thuyết, còn rỉ máu, trong đó có một nước không xa chúng ta quá.
Đơn giản vậy đó, thương thuyết phải chất phác như những gì ta vừa bàn luận, bình dị như dân gian, khôn ngoan như “dại khôn” chứ không nhất thiết phải “khôn dại”, trường hợp mà chúng ta gặp rất nhiều chung quanh chúng ta.

GS Phan Văn Trường
Cố vấn Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế; Giáo sư quy hoạch và kinh tế phát triển Đô thị trường Đại học Kiến trúc TPHCM; Cố vấn hội đồng quản trị Công ty Hòa Bình; nguyên Chủ tịch Alstom châu Á (1986 - 1997); nguyên Chủ tịch Lyonnaise des Eaux Việt Nam và Đông Nam Á (1997 - 2005).
Nguồn veer.vn

26/6/09

Khẩn cấp & quan trọng

Câu chuyện này là của Ông Hoàng Minh Châu, cựu phó tổng Giám đốc tập đoàn FPT

Tôi có anh bạn là giám đốc một công ty tư nhân. Anh điều hành công ty khá trơn tru, nên có nhiều thời gian giao du đến mức nhiều người tưởng anh thuộc loại vô công rồi nghề. Thỉng thoảng anh rủ tôi đi uống bia. Và nếu đã hẹn trước thì rất khó từ chối được anh.

Chẳng hạn, có lần chúng tôi đã hẹn đi uống bia, nhưng đến phút cuối tôi nói không đi được vì mắc họp. Anh hỏi:

- Cậu có chủ trì cuộc họp không?

- Không. Người khác chủ trì - Tôi trả lời.

- Tưởng gì! Vậy cậu không họp có chết ai đâu. Đi.

Một lần khác, chúng tôi lại hẹn nhau đi ăn trưa. Tới phút chót, tôi lại bận một cuộc họp. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi nói rằng mình chủ trì cuộc họp. Anh nói:

- Cậu chủ trì thì có thể hoãn cuộc họp đến ngày mai rồi.

- Không được, việc này rất khẩn cấp - Tôi nói.

- Vậy cậu giao cho phó của cậu chủ trì đi.

- Không được, việc này rất quan trọng.

Vậy là anh nổi nóng lên:

- Chắc chắn cậu là một nhà quản lý tồi. Nếu là việc quan trọng thì cậu phải nghĩ tới từ lâu rồi, chứ sao để nước đến chân mới lo. Trừ những chuyện không thể dự đoán như động đất hay cháy nhà, không có việc gì khẩn cấp mà quan trọng cả. Làm lãnh đạo mà suốt ngày lo chữa cháy như cậu thì chán quá.

Rồi anh phán một câu xanh rờn: "Đặc trưng lớn nhất của những lãnh đạo kém là họ luôn có rất nhiều việc vừa quan trọng vừa khẩn cấp".

Nghe anh chửi cũng tức thật, nhưng tôi học được một bài học bổ ích về quản lý: những việc quan trọng thì phải lo từ sớm, đừng chờ đến trạng thái "khẩn cấp" rồi mới lao vào giải quyết.


Tên ăn mày có học vấn MBA

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Gucci ra khỏi Tràng Tiền Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học MBA ở trường.

Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.




- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! - Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.

Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Gucci ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! - Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học! - Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoán chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- …???
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.

Ông ta lấy giọng nói tiếp:


- Ở khu Tràng Tiền Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian đểtìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? - Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.

Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.

- Ông nói tiếp đi! - Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.

Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.


- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!

Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.

- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: "Hồng ơi, anh yêu em", gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.

Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!

- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.

Quá chuẩn!

- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng Vietinbank mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

Tôi buột miệng:

- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?
Nguồn bài viết: tắc kè hoa' blog

20/6/09

Thỏ & rùa


Đây là một câu chuyện có vẻ quen thuộc với chúng ta nhưng được mở rộng bởi CEO (Chief Executives Officer) của Coca Cola như sau:
Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.
Thỏ xuất phát nhanh như như bắn và chạy thụt mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.
Bài học của câu chuyện trên là: "chậm và ổn định" đã chiến thắng cuộc đua.
Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm:
Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.
Thế, bài học của câu chuyện này? "nhanh và vững chắc" sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định. Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.
Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.
Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 Km nữa ở bên kia sông!
Thỏ dành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.
ý nghĩa từ câu chuyện này?. Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.
Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội.
Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.
Bài học của câu chuyện này là gì?. Thật tuyệt vời nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng, nhưng trừ khi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia xẻ, cống hiến ưu thế của từng người, bạn sẽ không bao giờ thực hiện công việc được hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác.
Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm.
Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không hề đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức. Trong cuộc sống, khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.
Thỏ và rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác: thay vì chúng chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống, và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều. Khi Roberto Goizueta đảm nhận vị trí CEO của Coca Cola vào những năm 1980, ông đã phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với Pepsi. Nhân viên của ông ta đang tập trung vào cạnh tranh với Pepsi và cố gắng tăng thị phần từng 0.1%. Goizueta quyết định không cạnh tranh với Pepsi mà thay vào đó là tìm cách chiếm thị phần. ông ta hỏi các nhân viên và biết rằng trung bình mỗi ngày, mỗi người Mỹ uống các loại nước là 14 ounces (đơn vị đo lường của Mỹ), trong đó thì Coke chỉ có 2 ounces/ngày/người. Rõ ràng việc cạnh tranh không chỉ là Pepsi mà còn là nước, trà, cà phê, sữa và các loại nước trái cây.
Mọi người sẽ dễ dàng tìm thấy Coke bất kể khi nào họ cần uống. Coke quyết định đầu tư các máy bán coca cola tự động ở khắp các góc đường. Doanh thu tăng nhảy vọt và cho đến nay thì Pepsi vẫn không thể nào theo kịp.

Kết luận: câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa đã dạy cho chúng ta khá nhiều bài học lý thú. Ý tưởng quan trọng nhất là “nhanh và vững chắc” sẽ luôn đánh bại “chậm và ổn định”; làm việc với những ưu điểm của bạn, đầu tư nhiều tài nguyên và làm việc theo nhóm sẽ luôn chiến thắng bất cứ một cá nhân nào; không bao giờ đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Và cuối cùng, phải tìm giải pháp cho mọi tình huống, không chống lại cuộc chiến.
(Sưu tầm)

28/5/09

Bí mật của vận may trong sự nghiệp

Trong sự nghiệp, có những người dường như luôn gặp may mắn. Họ có được công việc tốt nhất, sự đề bạt tuyệt vời nhất và mức lương hậu nhất. Tất cả chúng ta đều từng biết những người như thế. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ suy nghĩ một cách nghiêm túc tại sao và làm cách nào họ lại có thể may mắn đến vậy?

May mắn = chuẩn bị chu đáo + cơ hội
Khi tư vấn về nghề nghiệp cho các bạn ứng viên, tôi nhận thấy những bạn có được vận may luôn tin vào “công thức về may mắn” trên. Tất cả họ đều chủ động:
  • Theo sát những xu hướng kinh tế, ngành nghề và tình hình công ty
  • Tự trang bị những công cụ, kỹ năng làm việc và cập nhật thông tin mới
  • Nắm rõ những thành tựu và thành tích bản thân đạt được
  • Duy trì các mối quan hệ nghề nghiệp và cá nhân

Tất cả họ đều biết cơ hội nằm ở đâu để có thể xuất hiện đúng nơi và đúng thời điểm, sẵn sàng chớp lấy cơ hội!

Nhật ký nghề nghiệp – Hữu ích hơn bạn nghĩ!
Bạn có thể làm gì để gia tăng vận may trong sự nghiệp của mình? Tôi thường khuyến khích các bạn ứng viên ghi nhật ký nghề nghiệp. Nhật ký này có thể chỉ đơn giản là một cuốn sổ gáy lò xo. Cuối mỗi tuần, hãy tự hỏi bạn đã tạo được sự khác biệt gì trong công ty hay đã phát triển được kỹ năng gì cho nghề nghiệp của mình và ghi chép lại. Một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi như:

  • Bạn đã thiết lập được mối quan hệ với một khách hàng lớn?
  • Bạn đã giành được một thương vụ quan trọng?
  • Bạn đã xây dựng được mối quan hệ với một đối tác chiến lược mới?
  • Bạn đã thực hiện được một dự án quan trọng? Bạn đã cải tiến một quy trình làm việc? Bạn có tham gia vào một cuộc họp hay dự án quan trọng của nhóm không? Hãy liệt kê những kết quả bạn đạt được.
  • Bạn có thể xác định được sự đóng góp của bạn đóng vai trò ra sao đối với nhóm làm việc, phòng ban, bộ phận, hoặc tổ chức hay không?

Một cách khác để xác định những thành tựu trong sự nghiệp của bạn là kể câu chuyện theo cấu trúc CAR (Challenge Action Result) hay PAR (Problem Action Result). Hãy tự hỏi:
- Tôi đã đối mặt với trở ngại (challenge) hay vấn đề (problem) gì?
- Tôi đã hành động (action) như thế nào?
- Hành động của tôi đã mang lại kết quả (result) gì cho công ty?

Viết nhật ký nghề nghiệp sẽ giúp bạn nắm rõ những đóng góp của mình trong công việc. Đồng thời, việc này sẽ cho bạn những thông tin về thành tích đã đạt được, rất hữu ích cho hồ sơ tìm việc của bạn (vốn luôn cần được cập nhật), đánh giá hiệu quả làm việc của bản thân, những nỗ lực phát triển kinh doanh cũng như những cơ hội mở rộng các mối quan hệ xã hội. Và như thế vận may trong sự nghiệp của bạn sẽ gia tăng gấp bội!

Vivian VanLier
President of Advantage Résumé & Career Services
Theladders.com
Nguồn vietnamworks.com

21/5/09

Hành trình chữa bệnh cho con của diễn viên Quốc Tuấn

40 tuổi mới có con nhưng số phận đã không mỉm cười với anh khi cậu con trai đầu lòng mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt 7 năm, mỗi đêm vợ chồng anh chỉ ngủ 2-3 tiếng, không dám đi xa Hà Nội một ngày vì con không thể vắng bố, và gia đình anh như "thường trú" trong viện Nhi.

Sau nhiều thông tin thực hư về việc đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn có cậu con trai mắc bệnh lạ, lần đầu tiên "người thổi tù và" (vai diễn của anh trong phim "Người thổi tù và hàng tổng") kể về hành trình đưa con ra nước ngoài chữa bệnh. Cậu bé bị hội chứng APERT - bệnh xương cứng sớm cục bộ, và đường thở hẹp, một căn bệnh rất hiếm trên thế giới.

"Tôi lấy vợ muộn, năm 2000 cưới thì đến năm 2002 sinh cu Bôm. Khi vợ có bầu, đi siêu âm là con trai, vợ chồng tôi đã vui mừng khôn xiết. Không mừng sao được khi ở tuổi 40 tôi mới có con. Ngày đưa vợ vào bệnh viện, tôi hồi hộp lắm. Vợ tôi phải sinh mổ, tôi may mắn được bác sĩ đặc cách cho vào phòng sinh. Háo hức được bế con bao nhiêu thì lúc nhìn thấy con tôi lại như rơi từ trên trời xuống, choáng voáng vì con có nhiều khiếm khuyết trên gương mặt.

Tôi đứng chết lặng đến 30 phút. Đêm ấy về tôi đã thức trắng, mong sao đấy chỉ là cơn ác mộng. Không thể chịu được, gần sáng tôi lại vào viện. Đã xác định tư tưởng phải chấp nhận và chiến đấu với số phận nhưng cứ nhìn thấy con tôi lại không cầm lòng được. Lúc ấy con phải nằm trong lồng kính, điều bất ngờ là khi tôi đưa tay vào ô nhỏ để sờ vào tay con thì thấy con nắm chặt tay tôi, khóc một cách thổn thức. Chính điều này đã khiến tôi tin rằng bé Bôm là người bình thường và có thể chữa trị được.

Giấu vợ một ngày, 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì tôi không nỡ, đành hé dần từng chút, vậy mà gặp con, vợ tôi đã khóc ngất đi. Rồi mọi việc cũng dần ổn, cả hai chúng tôi đều xác định tư tưởng là chấp nhận số phận và chăm con. Chúng tôi đặt tên con là Nguyễn Anh Tuấn, giống tên bố vì tôi mong mình có thể gánh thay một phần nào đó bệnh tật cho con.

Vì đường thở của Bôm rất hẹp, khi ngủ không thở được nên không biết bao nhiêu đêm 2 vợ chồng thay phiên thức bế con ngủ. Bôm 7 tuổi cũng là 7 năm liền mỗi đêm vợ chồng tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng, không dám đi xa Hà Nội một ngày vì con không thể vắng bố, và gia đình tôi gần như hộ khẩu thường trú trong Bệnh viện Nhi Trung ương. Cũng may chúng tôi có người anh rể làm bác sĩ tại đây, đặc biệt được giáo sư, giám đốc bệnh viện Nguyễn Thanh Liêm giúp đỡ, tìm nhiều bác sĩ giỏi trên thế giới giúp việc chữa trị.

Năm Bôm được 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại, không phát triển trong khi não vẫn phát triển bình thường, bắt buộc phải phẫu thuật can thiệp nới hộp sọ. Lúc này, Giáo sư Liêm giới thiệu con tôi với Giáo sư Jone Meler ở bệnh viện Hoàng gia Australia và có tài trợ viện phí để Bôm được phẫu thuật. Ca phẫu thuật này đã rất thành công, hộp sọ của Bôm đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, đường thở của Bôm vẫn chưa được can thiệp do một vài trục trặc từ phía nhà tài trợ. Vậy là hai bố con phải về nước.

Tiếp những ngày sau đó, Bôm vẫn rất khó thở. Chúng tôi chạy đôn chạy đáo, định đưa con sang Singapore chữa trị, nhưng theo Giáo sư Liêm, trên thế giới không nhiều bác sĩ chữa được căn bệnh này. Rất may mắn, năm 2008, Giáo sư Daehyun Lew (Hàn Quốc) cùng một đoàn bác sĩ bệnh viện Sevenance, thuộc Đại học Yonsei, Seoul sang khám bệnh từ thiện ở Việt Nam.

Qua giới thiệu của Giáo sư Liêm, một tháng sau Bôm được đoàn tiếp nhận để điều trị. Mừng rơi nước mắt, nhưng nỗi lo khác ập đến bởi chúng tôi không còn kinh phí chữa trị cho con. Phía Hàn Quốc chỉ nói là chi phí đắt gấp nhiều lần ở Việt Nam, chứ không nói con số cụ thể.

Tạm gác nỗi lo, hai vợ chồng lại khăn gói cùng con xuất ngoại. Khi đó, may mắn là chúng tôi được một sinh viên đang tu nghiệp tại Hàn Quốc là Phạm Tiến Thăng giúp đỡ. Ngoài chức năng phiên dịch, Thăng và nhóm bạn còn lập một trang web về Bôm và ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin đề nghị giúp đỡ. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ khác cũng làm phiên dịch giúp và sát cánh cùng vợ chồng tôi suốt 6 tháng trời ở Hàn Quốc.

Dù đã xác định tư tưởng chi phí tốn kém, nhưng ngày bắt đầu vào viện, chúng tôi đã phát hoảng vì tiền viện phí quá cao, chỉ tính riêng một giường bệnh đã là 275 USD/ngày, nếu người nhà đi cùng có một giường gấp, cách mặt đất 10cm để ngủ, đó là chưa kể tiền viện phí, đi lại...

Chiều hôm trước mổ, Bôm bị cạo hết tóc, lúc này con tôi thực sự hoảng loạn, vợ chồng tôi cũng vô cùng căng thẳng. Thương nhất là Bôm cứ hỏi "Bố ơi, tóc đen của Bôm đâu rồi" và tìm mọi cách để soi gương, khiến chúng tôi liên tục phải quay đi giấu nước mắt. Rồi từ phòng gây mê, nghe con gào gọi tên bố mà ruột gan tôi xót như xát muối.

Ca mổ tiên lượng trong 7 tiếng, đến tiếng thứ 9, mọi hy vọng gần như tắt thì chúng tôi có tin nhắn "sắp xong", sau đó thắt ruột chờ đợi chừng 40 phút nữa, được nghe 2 tiếng "thành công", vợ chồng tôi đều khóc vì mừng.

Gần 3 ngày nằm điều trị ở phòng theo dõi đặc biệt trong tình trạng tay chân bị trói chặt, trên mặt gắn đầy thiết bị, Bôm vẫn rất ngoan ngoãn, nhưng phải đến hôm Bôm được về phòng chúng tôi mới thở phào. Sức khoẻ con tốt dần nhưng phải đeo một cái khung rất to lên mặt và phải nới vít mỗi ngày để nâng khuôn mặt lên, mỗi lần như thế Bôm lại đau đớn vô cùng. Sau đó tôi quyết định về ngoại trú, nhưng cứ 2 ngày đến viện một lần.

Bôm đeo khung sắt trong vòng 4 tháng, nhưng để hoàn thiện, chúng tôi phải ở lại Hàn Quốc 6 tháng. Hiện sức khoẻ của Bôm rất tốt, đường thở thông thoáng, khuôn mặt trở lại bình thường, nhưng tiếc nhất là răng Bôm là răng sữa nên không thay luôn được.

Nhìn con hồi phục hoàn toàn, được đi học bình thường, hoà nhập với các bạn là điều mà vợ chồng tôi mong ước suốt 7 năm qua. Điều quan trọng là chúng tôi nhận ra rằng, lòng tốt vẫn còn tồn tại trên đời này vì con tôi, vợ chồng tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. Qua đây, tôi cũng rất mong có thể giúp những gia đình có con mắc căn bệnh hiểm nghèo giống cu Bôm để giới thiệu bác sĩ, bệnh viện, hướng dẫn tìm tài trợ và cung cấp thông tin chữa trị...".

www.vnexpress.net

13/5/09

Làm gì khi cảm thấy mệt mỏi vì công việc

Ngày 8 tiếng làm việc với máy vi tính khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tất cả các bộ phận trên cơ thể đều muốn “đình công”. Bạn phải đau khổ than thở “Trời ơi, có nhiều việc phải giải quyết quá mà sức lực đi đâu hết trơn rồi…” Làm sao đây? Hãy thử các giải pháp sau, biết đâu chẳng những bạn sẽ hoàn thành tốt công việc, mà còn nói với sếp “Em muốn có thêm việc làm!”

Thư giãn
Sau mỗi giờ làm việc bạn hãy tự thưởng cho mình 5 phút thư giãn. Bạn có thể đứng dậy và đi lòng vòng, tán gẫu vài câu với đồng nghiệp, nghe một bản nhạc… Bạn cũng có thể làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Hãy thả lỏng cổ và vai, những bộ phận chịu nhiều áp lực nhất trong suốt cả ngày làm việc. Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn có thể đi ra ngoài để hít thở không khí trong lành, thoát khỏi 4 bức tường và những chiếc máy điều hòa. Bạn nên để đầu óc hoàn toàn nghỉ ngơi và thư giãn trước khi tiếp tục công việc. Điều này chắc chắn sẽ mang lại kết quả công việc cao hơn.

Quy luật 5:60
Cứ mỗi 60 phút làm việc trên máy vi tính, bạn nhớ cho mắt nghỉ ngơi 5 phút bằng cách nhắm mắt lại. Làm việc trên máy tính trong một thời gian dài liên tục sẽ khiến mắt bạn mệt mỏi và có thể làm giảm thị lực. Hơn nữa, mắt mệt mỏi là nguyên nhân khiến bạn không thể tập trung làm việc được nữa, dù biết mình phải hoàn thành công việc trong ngày hôm nay.

Có thực mới vực được…
Hãy nhớ, 70% cơ thể con người là nước. Vì vậy bạn cần đảm bảo cho cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết, nhất là khi bạn đang bắt bộ não hoạt động vất vả. Hãy đặt một cốc nước ngay ở bàn làm việc để bạn có thể nhâm nhi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, ăn đủ chất vào buổi sáng và buổi trưa cũng là cách giúp bạn “chiến đấu” ngoan cường. Dù bận đến đâu, bạn cũng không nên bắt cơ thể nhịn đói vì lúc đó bệnh tật sẽ thừa cơ “nổi loạn”. Nếu biết trước ngày nào đó bạn sẽ rất bận rộn và căng thẳng, bạn có thể mang theo một số món giàu dinh dưỡng như sữa chua, trái cây, phô-mai… để bổ sung thêm năng lượng cho cả ngày làm việc.

Thay đổi không gian
Trong thời gian nghỉ trưa, bạn nên ra ngoài ăn cơm cùng đồng nghiệp, tránh ở lại văn phòng vì bạn đã ở đó suốt 4 tiếng đồng hồ rồi còn gì. Đi ăn cùng đồng nghiệp cũng là cách hay để bạn nói chuyện và tâm sự, chưa kể đến chuyện bạn sẽ có thêm nhiều thông tin bên lề công việc hàng ngày. Và bạn cũng có thể dành chút thời gian đi bộ, ghé qua hiệu sách hay công viên… để lấy lại cảm hứng và phấn khởi cho một buổi chiều bận rộn.

Làm “tươi mát” không gian làm việc của bạn
Hãy bày biện trên bàn làm việc của bạn chậu hoa nho nhỏ, những bức ảnh ưa thích của con cái hay người thân yêu của bạn, vật kỷ niệm… Ngắm nhìn chúng một lúc mọi mệt mỏi trong công việc của bạn sẽ tan biến.

Đừng ngại nhờ đồng nghiệp
Chắc hẳn ai cũng thích tự mình hoàn thành công việc, nhưng công việc là vô hạn mà sức người thì có hạn. Vì vậy, nếu cảm thấy tự xoay sở quá khó khăn, bạn hãy “cầu cứu” đồng nghiệp. Nếu bạn phải tham gia một dự án quá lớn, hãy nhờ nhiều người cùng làm, còn bạn sẽ chịu trách nhiệm chính.

Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo
Bạn cứ cố gắng hết sức có thể để hoàn thành nhiệm vụ, cho dù không thể đạt 100% như mong đợi. Bạn cũng cần học cách chấp nhận kết quả mình đạt được cho dù nó có ra sao, chứ đừng lúc nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo và tuyệt đối. Có như vậy bạn mới không mệt mỏi vì công việc.

Khích lệ bản thân
Khi hoàn thành xong nhiệm vụ nào đó hay đơn giản là kết thúc một ngày làm việc bình thường, hãy tự khen mình vì bạn đã nỗ lực làm việc. Với việc tự khích lệ bản thân bạn sẽ cảm thấy lạc quan, yêu công việc hơn và sẵn sàng cho những ngày làm việc sắp tới.

Lên kế hoạch cho ngày mai
Trước khi kết thúc ngày làm việc, bạn hãy dành 15 – 20 phút cuối để kiểm tra lại lịch làm việc. Những gì đã làm xong trong ngày hôm nay thì bạn nhớ đánh dấu và lên kế hoạch làm việc cho ngày mai, những gì quan trọng làm trước. Hành động này vừa giúp bạn quản lý công việc dễ dàng và hiệu quả, vừa giúp bạn không mất nhiều thời gian suy nghĩ mình phải làm gì trong ngày mai.

Theo Vietnamworks.com

"Sống chung" với công việc bạn ghét

Làm công việc bạn ghét thật chẳng dễ chút nào! Tuy nhiên, không phải ai cũng dám từ bỏ ngay công việc đó trước khi có được một công việc khác. Bạn vẫn phải vui vẻ chịu đựng nó cho đến khi kiếm được một công việc mới. Dù bạn đang “mắc kẹt” với công việc hiện tại để trang trải cuộc sống hay chịu đựng để chờ một cơ hội mới, hãy khám phá những mẹo sau để bạn luôn sống vui với công việc hiện tại

Mỗi tuần một mục tiêu

Hãy chú ý đến “phần thưởng” mình nhận được khi hoàn thành công việc, bạn sẽ dễ dàng làm việc hơn. Ngay cả khi bạn ghét công việc hiện tại, vẫn còn những điều có thể khiến bạn vui vẻ. Hãy xác lập mục tiêu của từng tuần làm việc để giúp bạn tìm cơ hội nghề nghiệp mới. Mỗi tuần bạn có thể phấn đấu gửi đi 5 hồ sơ tìm việc hoặc tham gia một buổi networking. Xác lập những mục tiêu như vậy sẽ cho bạn một cái đích để nhắm đến.

Mỗi ngày làm một việc để tiến gần đến mục tiêu

Bạn không nhất thiết phải đạt hết tất cả mục tiêu chỉ trong một ngày mà hãy phân bổ chúng ra nhiều ngày. Buổi sáng thức dậy, bạn hãy xác lập mục tiêu của ngày hôm ấy và đảm bảo mình sẽ thực hiện tốt. Thành quả đạt được sẽ đem lại cho bạn cảm xúc tuyệt vời và giúp bạn cảm thấy hài lòng về sự tiến bộ của bản thân.

Thư giãn một chút trước khi bắt đầu làm việc

Một khi đã không thích công việc, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy tệ hại hơn nếu đến công ty một cách gấp gáp, căng thẳng và mệt mỏi rã rời. Hãy dành chút thời gian thư giãn, để tinh thần thư thái trước khi bắt tay vào việc.

Chào buổi sáng, chào xinh tươi!

Hãy thết đãi bản thân một tách cà phê thơm ngon vào sáng sớm, thưởng thức tờ báo bạn thích, hoặc chỉ đơn giản là chọn một giai điệu vui nhộn cho chuông đồng hồ báo thức. Một buổi sáng sảng khoái sẽ tác động rất tích cực đến thời gian còn lại trong ngày hôm đó của bạn.

Tạo thú tiêu khiển cho bản thân

Có phải trong lúc ở công ty bạn chỉ mong mỏi được ra ngoài? Có phải tiếng chuông điện thoại reo liên tục làm bạn phát điên? Hãy làm điều gì đó để giúp mình phấn chấn hơn khi ở công ty. Hãy chọn một bức ảnh thiên nhiên vùng nhiệt đới để làm trình bảo vệ màn hình (screensaver) cho máy tính của bạn, chọn lịch bàn có những câu châm ngôn khích lệ tinh thần, nghe nhạc trên máy tính hay iPod, và nên đi ăn trưa bên ngoài công ty.

Tranh thủ phát triển kỹ năng

Không thích công việc không có nghĩa là bạn không thể học hỏi những kỹ năng mới. Hãy tranh thủ thời gian để biến mình trở thành một ứng viên hoàn thiện hơn. Nếu công ty của bạn có tổ chức các khóa đào tạo, hãy tận dụng chúng. Hãy dùng thời gian rảnh trong giờ làm việc để học kiến thức mới trên mạng. Đọc một cuốn sách về quản trị trong lúc ăn trưa. Hãy biến công việc nhàm chán thành cơ hội phát triển năng lực bản thân.

Rũ bỏ sự căng thẳng

Mỗi người thường có những hoạt động riêng để thư giãn và loại bỏ căng thẳng. Bạn có thể chạy bộ sau giờ làm việc, đi bơi vào giờ nghỉ trưa hoặc đi bộ đường dài. Hãy đưa những hoạt động này vào kế hoạch làm việc, bạn sẽ luôn có điều gì đó để mong đợi mỗi ngày.

Chăm sóc bản thân

Để bù đắp cho sự chán chường khi ở công ty, hãy tìm những hoạt động nho nhỏ để tự thưởng cho bản thân như mua một cuốn truyện hay, đi ăn kem, mua hoa, mua một bộ cánh mới cho buổi phỏng vấn sắp tới hay lên kế hoạch đi du lịch. Hãy cố gắng khám phá những điều có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong tâm hồn.

Duy trì hiệu quả làm việc

Dù tình hình hiện tại ra sao, bạn cũng phải tiếp tục công việc và làm tốt nó. Hãy xác lập mục tiêu hiệu quả công việc bạn cần đạt được và dùng những thành tích đó để “ghi điểm” trong những cuộc phỏng vấn trong tương lai.

Trân trọng những mối quan hệ tại công ty

Thế giới này rất nhỏ bé, bạn chẳng thể biết khi nào mình sẽ lại gặp những đồng nghiệp cũ. Vì thế, đừng làm tổn hại bất kỳ mối quan hệ nào ở công ty chỉ vì bạn không cảm thấy thoải mái. Hãy giữ địa chỉ liên hệ của những người bạn quen và duy trì quan hệ tốt với họ. Sau này, bạn có thể sẽ cần một trong số họ giới thiệu hay đưa ra nhận xét tốt về bạn.

Luôn nỗ lực để thay đổi

Hiện tại, bạn có thể cảm thấy mình sẽ mãi mãi “mắc kẹt” trong công việc này. Hãy lạc quan lên và nhớ rằng chính bạn mới là người quyết định vận mệnh của mình. Hãy tìm hiểu thông tin tuyển dụng liên quan đến các vị trí khác trong công ty và nỗ lực tìm kiếm công việc mới ở bên ngoài.

(Theo careerbuilder.com)

7/5/09

6 công cụ miễn phí để quản lý danh tiếng trực tuyến

Việc quản lý danh tiếng trực tuyến bao gồm hai nhiệm vụ: theo dõi thương hiệu và phản ứng khi cần thiết. Dù đôi khi công việc giám sát thương hiệu có vẻ chán ngắt nhưng nó có thể giúp công ty bạn tránh được thảm họa tiềm ẩn: ai đó nêu tên công ty bạn trong một bài viết có tính chất xuyên tạc về công ty. Ngoài chức năng phòng vệ, việc làm này còn giúp bạn tham gia vào những cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề của công ty, từ đó giúp quảng bá hình ảnh công ty ra bên ngoài nhiều hơn. Năm 2010 đã gần kề … và nếu không chủ động xuất hiện trực tuyến, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội quý báu để khiến cả thế giới phải biết đến giá trị của công ty mình – thông qua nhiều kênh như báo chí, bài viết trên blog, thông tin mô tả trong mạng xã hội, comment (bình luận), video và nhiều phương tiện khác nữa.

Với vai trò là người tạo ra và sử dụng nội dung, tên tuổi công ty bạn sẽ lan tỏa ra khắp mạng lưới nhờ những người mà thậm chí bạn không hề quen biết. Nghiên cứu của công ty IDC đã hé lộ một sự thật là nội dung mà người khác viết về công ty bạn thậm chí còn nhiều hơn những gì bạn viết về chính công ty mình.
Một phần thương hiệu của bạn giờ đây đang nằm trong tay người khác, chính vì thế việc giám sát thương hiệu phải giữ vai trò cực kỳ quan trọng trước khi một ngọn lửa nhỏ biến thành một trận cháy rừng.

Bạn có biết người khác nói gì về mình?

Nếu bạn muốn biết cách theo dõi sự hiện diện của công ty mình và giám sát thương hiệu của công ty thì quả thật bạn đã gặp may. Sau đây là 6 công cụ hàng đầu có thể phục vụ kế hoạch quản lý danh tiếng trực tuyến của công ty bạn. Những công cụ này có thể được ứng dụng cho sản phẩm, thương hiệu công ty hay thậm chí là thương hiệu cá nhân. Hãy sử dụng chúng để tìm kiếm, định vị và phản hồi khi cần thiết.

1. Google – Google.com/alerts

· Định nghĩa: Google Alerts hiển thị những tin tức mới nhất gửi đến email của bạn, nó căn cứ theo kết quả tìm kiếm mới nhất của Google dựa trên lựa chọn của bạn về chủ đề hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm. Bạn có thể đăng ký nhận thông báo tin tức qua email hoặc chức năng RSS.

· Ứng dụng: Nhiều người sử dụng công cụ RSS để xem tin tức cập nhật còn các công ty PR thì sử dụng chức năng thông báo này để theo dõi chiến dịch PR của mình. Bạn có thể theo dõi một bài phóng sự, cập nhật diễn biến mới nhất trong ngành và của đối thủ cạnh tranh và xem ai đang viết về công ty mình, tất cả những việc ấy đều có thể tiến hành cùng một lúc.

· Chiến lược marketing: Hãy thiết lập một chế độ thông báo toàn diện có khả năng cập nhật tất cả những câu chuyện có nhắc đến tên, chủ đề hay công ty của bạn ngay khi chúng vừa xuất hiện. Vì bộ phận lọc tin thường luôn đầy ắp tin bài theo yêu cầu nên bạn cần tạo lập một cơ sở dữ liệu về những blogger và nhà báo để có thể tiếp cận họ trực tiếp và xây dựng quan hệ tốt hơn.

2. Bài viết trên blog – Technorati.com

· Định nghĩa: Nếu bạn có viết blog thì hẳn nhiên bạn cần phải sử dụng Technorati, công cụ tìm kiếm blog có quy mô lớn nhất thế giới. Khi bạn đăng ký sử dụng dịch vụ của Technorati, nó sẽ theo dõi “phản hồi trên blog” hay những blog nào có liên kết với blog của bạn.

· Ứng dụng: Tìm kiếm tên công bạn trên Technorati và đăng ký chức năng thông báo RSS để khi nào có ai đó viết về công ty bạn trên blog, bạn sẽ nhận biết ngay.

· Chiến lược marketing: Sử dụng Technorati để theo dõi bất kỳ blog nào kết nối với blog của bạn. Và khi bạn viết một entry có liên quan đến họ, hành động trên sẽ giúp tăng cường khả năng nhận biết của họ dành cho blog/tiếng tăm của công ty bạn.

3. Comment trên blog – backtype.com

· Định nghĩa: Gần đây có một dịch vụ mới ra đời để giải quyết vấn đề quản lý comment trên blog. Hãy chú ý đến điều này. Một ai đó có thể comment về công ty bạn trên hàng loạt blog vì thế nếu bạn chỉ theo dõi các entry thì chắn chắc sẽ bỏ sót những comment đó. BackType dịch vụ cho phép bạn tìm kiếm, theo dõi và chia sẻ comment của mình trên web. Bất kỳ khi nào bạn viết một comment trên blog người khác có kết nối với trang blog của mình, BackType sẽ lưu lại cho bạn.

· Ứng dụng: Sử dụng BackType để nhắc nhở mình về những blog mà bạn đã vào comment, khám phá ra ai những người có ảnh hưởng cao và những blog họ đang comment mà bạn nên xem và tiếp tục đoạn hội thoại còn dở dang khi chính bạn là người khởi xướng trước đó.

· Chiến lược marketing: Thiết lập một danh sách những người có ảnh hưởng lớn trong phạm vi hoạt động của công ty bạn. Sau đó, bạn theo dõi comment của họ qua các blog và để lại comment của chính mình ngay sau comment của họ. Hành động này sẽ giúp bạn tạo dựng thương hiệu nhờ sự “ăn theo” này.

4. Nhóm thảo luận (discussion board) – boardtracker.com

· Định nghĩa: Bên cạnh blog và những bài phóng sự truyền thống, nhóm thảo luận là một kênh khác mà mọi người có thể tập trung thành một cộng đồng và nói về công ty bạn. Hầu hết mọi người đều không để ý đến kênh thảo luận nhóm này cho đến khi thấy những trang web khác comment về thông tin trích theo quan điểm của các nhóm thảo luận ấy.

· Ứng dụng: Sử dụng boardtracker.com để nhận được thông báo ngay tức thì về những bài viết nêu tên công ty bạn trong các nhóm thảo luận.

· Chiến lược marketing: Tìm kiếm tất cả nhóm thảo luận nào có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của công ty bạn và tham gia vào từ 2 đến 5 nhóm thảo luận sôi nổi nhất. Để biết được mức độ phổ biến của từng nhóm thảo luận, bạn có thể căn cứ vào số lượng bài thảo luận và thành viên đăng ký. Tham gia vào các cộng đồng ấy bằng cách khởi xướng chủ đề đồng thời để lại tên và URL (đường link) của công ty bạn ngay bên dưới mỗi bài viết.

5. Twitter – search.switter.com

· Định nghĩa: Twitter là một dịch vụ hỗ trợ blog siêu nhỏ, hiện đang cung cấp dịch vụ cho hơn 3 triệu người dùng. Tin nhắn được gửi qua Twitter (gọi là tweet) di chuyển với vận tốc ánh sáng nên nếu bạn không nắm bắt được chúng, chúng sẽ phát tán nhanh như virus vậy.

· Ứng dụng: Sử dụng chức năng tìm kiếm của Twitter, bạn có thể phát hiện bất kỳ tin nhắn nào có xuất hiện tên của công ty bạn và phản hồi (hay im lặng).

· Chiến lược marketing: Khi bạn thấy một tin nhắn có nhắc đến tên công ty mình, bạn nên sử dụng ký tự @ kèm theo tên tài khoản của người viết tin nhắn (ví dụ như @danschawbel) khi phản hồi. Khi bạn phản hồi, bạn bắt đầu xây dựng độ nhận biết cho thương hiệu công ty và người xem tin nhắn của bạn sẽ có cảm giác rằng thật sự quan tâm và chủ động lắng nghe.

6. FriendFeed – friendfeed.com/search

· Định nghĩa: FriendFeed là một công cụ tập hợp xã hội. Giống như khi sử dụng Youtube, Delicious, Twitter, blog hay Flickr, bạn có thể gom tất cả quan hệ xã hội của mình vào một (Friend) feed, một thư mục có chức năng cập nhật và chia sẻ thông tin tóm tắt mới nhất của một trang web liên kết.

· Ứng dụng: Bạn có thể tiến hành tìm kiếm thương hiệu của công ty mình trong toàn bộ mạng xã hội cùng một lúc nhờ vào công cụ tìm kiếm của trang web này. Ngoài việc biết được video hay tin nhắn nào có liên quan đến lĩnh vực của mình, bạn còn có thể phân tích những comment mà mọi người bày tỏ.

· Chiến lược marketing: Sử dụng chức năng quản lý FriendFeed (friendfeed.com/embed/widget) và bày nó trên blog hay website của công ty bạn để mọi người có thể cảm nhận được hoạt động truyền thông xã hội mà bạn đang thực hiện. Đồng thời, bạn có thể tìm kiếm và xác định những ai đang nói về thương hiệu công ty mình trên FriendFeed và phản hồi họ bằng comment.

Bạn có thể sử dụng cả 6 công cụ miễn phí trên để vừa quản lý, vừa tiếp thị thương hiệu của công ty mình trực tuyến.

Bạn có thể không chăm lo cho danh tiếng trực tuyến của công ty mình, nhưng người khác thì quan tâm. Đã đến lúc cần biết người ta đang nói gì – và có động thái phản hồi nào đó. Việc marketing cho đối tượng người đọc blog hay web của công ty bạn sẽ trở nên suôn sẻ sau khi bạn hoàn thành bài tập về nhà với 6 công cụ trên.

(Theo Bw Portal)

Tin tức Online