Links

28/5/09

Bí mật của vận may trong sự nghiệp

Trong sự nghiệp, có những người dường như luôn gặp may mắn. Họ có được công việc tốt nhất, sự đề bạt tuyệt vời nhất và mức lương hậu nhất. Tất cả chúng ta đều từng biết những người như thế. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ suy nghĩ một cách nghiêm túc tại sao và làm cách nào họ lại có thể may mắn đến vậy?

May mắn = chuẩn bị chu đáo + cơ hội
Khi tư vấn về nghề nghiệp cho các bạn ứng viên, tôi nhận thấy những bạn có được vận may luôn tin vào “công thức về may mắn” trên. Tất cả họ đều chủ động:
  • Theo sát những xu hướng kinh tế, ngành nghề và tình hình công ty
  • Tự trang bị những công cụ, kỹ năng làm việc và cập nhật thông tin mới
  • Nắm rõ những thành tựu và thành tích bản thân đạt được
  • Duy trì các mối quan hệ nghề nghiệp và cá nhân

Tất cả họ đều biết cơ hội nằm ở đâu để có thể xuất hiện đúng nơi và đúng thời điểm, sẵn sàng chớp lấy cơ hội!

Nhật ký nghề nghiệp – Hữu ích hơn bạn nghĩ!
Bạn có thể làm gì để gia tăng vận may trong sự nghiệp của mình? Tôi thường khuyến khích các bạn ứng viên ghi nhật ký nghề nghiệp. Nhật ký này có thể chỉ đơn giản là một cuốn sổ gáy lò xo. Cuối mỗi tuần, hãy tự hỏi bạn đã tạo được sự khác biệt gì trong công ty hay đã phát triển được kỹ năng gì cho nghề nghiệp của mình và ghi chép lại. Một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi như:

  • Bạn đã thiết lập được mối quan hệ với một khách hàng lớn?
  • Bạn đã giành được một thương vụ quan trọng?
  • Bạn đã xây dựng được mối quan hệ với một đối tác chiến lược mới?
  • Bạn đã thực hiện được một dự án quan trọng? Bạn đã cải tiến một quy trình làm việc? Bạn có tham gia vào một cuộc họp hay dự án quan trọng của nhóm không? Hãy liệt kê những kết quả bạn đạt được.
  • Bạn có thể xác định được sự đóng góp của bạn đóng vai trò ra sao đối với nhóm làm việc, phòng ban, bộ phận, hoặc tổ chức hay không?

Một cách khác để xác định những thành tựu trong sự nghiệp của bạn là kể câu chuyện theo cấu trúc CAR (Challenge Action Result) hay PAR (Problem Action Result). Hãy tự hỏi:
- Tôi đã đối mặt với trở ngại (challenge) hay vấn đề (problem) gì?
- Tôi đã hành động (action) như thế nào?
- Hành động của tôi đã mang lại kết quả (result) gì cho công ty?

Viết nhật ký nghề nghiệp sẽ giúp bạn nắm rõ những đóng góp của mình trong công việc. Đồng thời, việc này sẽ cho bạn những thông tin về thành tích đã đạt được, rất hữu ích cho hồ sơ tìm việc của bạn (vốn luôn cần được cập nhật), đánh giá hiệu quả làm việc của bản thân, những nỗ lực phát triển kinh doanh cũng như những cơ hội mở rộng các mối quan hệ xã hội. Và như thế vận may trong sự nghiệp của bạn sẽ gia tăng gấp bội!

Vivian VanLier
President of Advantage Résumé & Career Services
Theladders.com
Nguồn vietnamworks.com

21/5/09

Hành trình chữa bệnh cho con của diễn viên Quốc Tuấn

40 tuổi mới có con nhưng số phận đã không mỉm cười với anh khi cậu con trai đầu lòng mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt 7 năm, mỗi đêm vợ chồng anh chỉ ngủ 2-3 tiếng, không dám đi xa Hà Nội một ngày vì con không thể vắng bố, và gia đình anh như "thường trú" trong viện Nhi.

Sau nhiều thông tin thực hư về việc đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn có cậu con trai mắc bệnh lạ, lần đầu tiên "người thổi tù và" (vai diễn của anh trong phim "Người thổi tù và hàng tổng") kể về hành trình đưa con ra nước ngoài chữa bệnh. Cậu bé bị hội chứng APERT - bệnh xương cứng sớm cục bộ, và đường thở hẹp, một căn bệnh rất hiếm trên thế giới.

"Tôi lấy vợ muộn, năm 2000 cưới thì đến năm 2002 sinh cu Bôm. Khi vợ có bầu, đi siêu âm là con trai, vợ chồng tôi đã vui mừng khôn xiết. Không mừng sao được khi ở tuổi 40 tôi mới có con. Ngày đưa vợ vào bệnh viện, tôi hồi hộp lắm. Vợ tôi phải sinh mổ, tôi may mắn được bác sĩ đặc cách cho vào phòng sinh. Háo hức được bế con bao nhiêu thì lúc nhìn thấy con tôi lại như rơi từ trên trời xuống, choáng voáng vì con có nhiều khiếm khuyết trên gương mặt.

Tôi đứng chết lặng đến 30 phút. Đêm ấy về tôi đã thức trắng, mong sao đấy chỉ là cơn ác mộng. Không thể chịu được, gần sáng tôi lại vào viện. Đã xác định tư tưởng phải chấp nhận và chiến đấu với số phận nhưng cứ nhìn thấy con tôi lại không cầm lòng được. Lúc ấy con phải nằm trong lồng kính, điều bất ngờ là khi tôi đưa tay vào ô nhỏ để sờ vào tay con thì thấy con nắm chặt tay tôi, khóc một cách thổn thức. Chính điều này đã khiến tôi tin rằng bé Bôm là người bình thường và có thể chữa trị được.

Giấu vợ một ngày, 2 ngày, đến ngày thứ 3 thì tôi không nỡ, đành hé dần từng chút, vậy mà gặp con, vợ tôi đã khóc ngất đi. Rồi mọi việc cũng dần ổn, cả hai chúng tôi đều xác định tư tưởng là chấp nhận số phận và chăm con. Chúng tôi đặt tên con là Nguyễn Anh Tuấn, giống tên bố vì tôi mong mình có thể gánh thay một phần nào đó bệnh tật cho con.

Vì đường thở của Bôm rất hẹp, khi ngủ không thở được nên không biết bao nhiêu đêm 2 vợ chồng thay phiên thức bế con ngủ. Bôm 7 tuổi cũng là 7 năm liền mỗi đêm vợ chồng tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng, không dám đi xa Hà Nội một ngày vì con không thể vắng bố, và gia đình tôi gần như hộ khẩu thường trú trong Bệnh viện Nhi Trung ương. Cũng may chúng tôi có người anh rể làm bác sĩ tại đây, đặc biệt được giáo sư, giám đốc bệnh viện Nguyễn Thanh Liêm giúp đỡ, tìm nhiều bác sĩ giỏi trên thế giới giúp việc chữa trị.

Năm Bôm được 3 tuổi rưỡi, xương hộp sọ bắt đầu cứng lại, không phát triển trong khi não vẫn phát triển bình thường, bắt buộc phải phẫu thuật can thiệp nới hộp sọ. Lúc này, Giáo sư Liêm giới thiệu con tôi với Giáo sư Jone Meler ở bệnh viện Hoàng gia Australia và có tài trợ viện phí để Bôm được phẫu thuật. Ca phẫu thuật này đã rất thành công, hộp sọ của Bôm đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, đường thở của Bôm vẫn chưa được can thiệp do một vài trục trặc từ phía nhà tài trợ. Vậy là hai bố con phải về nước.

Tiếp những ngày sau đó, Bôm vẫn rất khó thở. Chúng tôi chạy đôn chạy đáo, định đưa con sang Singapore chữa trị, nhưng theo Giáo sư Liêm, trên thế giới không nhiều bác sĩ chữa được căn bệnh này. Rất may mắn, năm 2008, Giáo sư Daehyun Lew (Hàn Quốc) cùng một đoàn bác sĩ bệnh viện Sevenance, thuộc Đại học Yonsei, Seoul sang khám bệnh từ thiện ở Việt Nam.

Qua giới thiệu của Giáo sư Liêm, một tháng sau Bôm được đoàn tiếp nhận để điều trị. Mừng rơi nước mắt, nhưng nỗi lo khác ập đến bởi chúng tôi không còn kinh phí chữa trị cho con. Phía Hàn Quốc chỉ nói là chi phí đắt gấp nhiều lần ở Việt Nam, chứ không nói con số cụ thể.

Tạm gác nỗi lo, hai vợ chồng lại khăn gói cùng con xuất ngoại. Khi đó, may mắn là chúng tôi được một sinh viên đang tu nghiệp tại Hàn Quốc là Phạm Tiến Thăng giúp đỡ. Ngoài chức năng phiên dịch, Thăng và nhóm bạn còn lập một trang web về Bôm và ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin đề nghị giúp đỡ. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ khác cũng làm phiên dịch giúp và sát cánh cùng vợ chồng tôi suốt 6 tháng trời ở Hàn Quốc.

Dù đã xác định tư tưởng chi phí tốn kém, nhưng ngày bắt đầu vào viện, chúng tôi đã phát hoảng vì tiền viện phí quá cao, chỉ tính riêng một giường bệnh đã là 275 USD/ngày, nếu người nhà đi cùng có một giường gấp, cách mặt đất 10cm để ngủ, đó là chưa kể tiền viện phí, đi lại...

Chiều hôm trước mổ, Bôm bị cạo hết tóc, lúc này con tôi thực sự hoảng loạn, vợ chồng tôi cũng vô cùng căng thẳng. Thương nhất là Bôm cứ hỏi "Bố ơi, tóc đen của Bôm đâu rồi" và tìm mọi cách để soi gương, khiến chúng tôi liên tục phải quay đi giấu nước mắt. Rồi từ phòng gây mê, nghe con gào gọi tên bố mà ruột gan tôi xót như xát muối.

Ca mổ tiên lượng trong 7 tiếng, đến tiếng thứ 9, mọi hy vọng gần như tắt thì chúng tôi có tin nhắn "sắp xong", sau đó thắt ruột chờ đợi chừng 40 phút nữa, được nghe 2 tiếng "thành công", vợ chồng tôi đều khóc vì mừng.

Gần 3 ngày nằm điều trị ở phòng theo dõi đặc biệt trong tình trạng tay chân bị trói chặt, trên mặt gắn đầy thiết bị, Bôm vẫn rất ngoan ngoãn, nhưng phải đến hôm Bôm được về phòng chúng tôi mới thở phào. Sức khoẻ con tốt dần nhưng phải đeo một cái khung rất to lên mặt và phải nới vít mỗi ngày để nâng khuôn mặt lên, mỗi lần như thế Bôm lại đau đớn vô cùng. Sau đó tôi quyết định về ngoại trú, nhưng cứ 2 ngày đến viện một lần.

Bôm đeo khung sắt trong vòng 4 tháng, nhưng để hoàn thiện, chúng tôi phải ở lại Hàn Quốc 6 tháng. Hiện sức khoẻ của Bôm rất tốt, đường thở thông thoáng, khuôn mặt trở lại bình thường, nhưng tiếc nhất là răng Bôm là răng sữa nên không thay luôn được.

Nhìn con hồi phục hoàn toàn, được đi học bình thường, hoà nhập với các bạn là điều mà vợ chồng tôi mong ước suốt 7 năm qua. Điều quan trọng là chúng tôi nhận ra rằng, lòng tốt vẫn còn tồn tại trên đời này vì con tôi, vợ chồng tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người. Qua đây, tôi cũng rất mong có thể giúp những gia đình có con mắc căn bệnh hiểm nghèo giống cu Bôm để giới thiệu bác sĩ, bệnh viện, hướng dẫn tìm tài trợ và cung cấp thông tin chữa trị...".

www.vnexpress.net

13/5/09

Làm gì khi cảm thấy mệt mỏi vì công việc

Ngày 8 tiếng làm việc với máy vi tính khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tất cả các bộ phận trên cơ thể đều muốn “đình công”. Bạn phải đau khổ than thở “Trời ơi, có nhiều việc phải giải quyết quá mà sức lực đi đâu hết trơn rồi…” Làm sao đây? Hãy thử các giải pháp sau, biết đâu chẳng những bạn sẽ hoàn thành tốt công việc, mà còn nói với sếp “Em muốn có thêm việc làm!”

Thư giãn
Sau mỗi giờ làm việc bạn hãy tự thưởng cho mình 5 phút thư giãn. Bạn có thể đứng dậy và đi lòng vòng, tán gẫu vài câu với đồng nghiệp, nghe một bản nhạc… Bạn cũng có thể làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng. Hãy thả lỏng cổ và vai, những bộ phận chịu nhiều áp lực nhất trong suốt cả ngày làm việc. Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn có thể đi ra ngoài để hít thở không khí trong lành, thoát khỏi 4 bức tường và những chiếc máy điều hòa. Bạn nên để đầu óc hoàn toàn nghỉ ngơi và thư giãn trước khi tiếp tục công việc. Điều này chắc chắn sẽ mang lại kết quả công việc cao hơn.

Quy luật 5:60
Cứ mỗi 60 phút làm việc trên máy vi tính, bạn nhớ cho mắt nghỉ ngơi 5 phút bằng cách nhắm mắt lại. Làm việc trên máy tính trong một thời gian dài liên tục sẽ khiến mắt bạn mệt mỏi và có thể làm giảm thị lực. Hơn nữa, mắt mệt mỏi là nguyên nhân khiến bạn không thể tập trung làm việc được nữa, dù biết mình phải hoàn thành công việc trong ngày hôm nay.

Có thực mới vực được…
Hãy nhớ, 70% cơ thể con người là nước. Vì vậy bạn cần đảm bảo cho cơ thể luôn được cung cấp đầy đủ lượng nước cần thiết, nhất là khi bạn đang bắt bộ não hoạt động vất vả. Hãy đặt một cốc nước ngay ở bàn làm việc để bạn có thể nhâm nhi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, ăn đủ chất vào buổi sáng và buổi trưa cũng là cách giúp bạn “chiến đấu” ngoan cường. Dù bận đến đâu, bạn cũng không nên bắt cơ thể nhịn đói vì lúc đó bệnh tật sẽ thừa cơ “nổi loạn”. Nếu biết trước ngày nào đó bạn sẽ rất bận rộn và căng thẳng, bạn có thể mang theo một số món giàu dinh dưỡng như sữa chua, trái cây, phô-mai… để bổ sung thêm năng lượng cho cả ngày làm việc.

Thay đổi không gian
Trong thời gian nghỉ trưa, bạn nên ra ngoài ăn cơm cùng đồng nghiệp, tránh ở lại văn phòng vì bạn đã ở đó suốt 4 tiếng đồng hồ rồi còn gì. Đi ăn cùng đồng nghiệp cũng là cách hay để bạn nói chuyện và tâm sự, chưa kể đến chuyện bạn sẽ có thêm nhiều thông tin bên lề công việc hàng ngày. Và bạn cũng có thể dành chút thời gian đi bộ, ghé qua hiệu sách hay công viên… để lấy lại cảm hứng và phấn khởi cho một buổi chiều bận rộn.

Làm “tươi mát” không gian làm việc của bạn
Hãy bày biện trên bàn làm việc của bạn chậu hoa nho nhỏ, những bức ảnh ưa thích của con cái hay người thân yêu của bạn, vật kỷ niệm… Ngắm nhìn chúng một lúc mọi mệt mỏi trong công việc của bạn sẽ tan biến.

Đừng ngại nhờ đồng nghiệp
Chắc hẳn ai cũng thích tự mình hoàn thành công việc, nhưng công việc là vô hạn mà sức người thì có hạn. Vì vậy, nếu cảm thấy tự xoay sở quá khó khăn, bạn hãy “cầu cứu” đồng nghiệp. Nếu bạn phải tham gia một dự án quá lớn, hãy nhờ nhiều người cùng làm, còn bạn sẽ chịu trách nhiệm chính.

Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo
Bạn cứ cố gắng hết sức có thể để hoàn thành nhiệm vụ, cho dù không thể đạt 100% như mong đợi. Bạn cũng cần học cách chấp nhận kết quả mình đạt được cho dù nó có ra sao, chứ đừng lúc nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo và tuyệt đối. Có như vậy bạn mới không mệt mỏi vì công việc.

Khích lệ bản thân
Khi hoàn thành xong nhiệm vụ nào đó hay đơn giản là kết thúc một ngày làm việc bình thường, hãy tự khen mình vì bạn đã nỗ lực làm việc. Với việc tự khích lệ bản thân bạn sẽ cảm thấy lạc quan, yêu công việc hơn và sẵn sàng cho những ngày làm việc sắp tới.

Lên kế hoạch cho ngày mai
Trước khi kết thúc ngày làm việc, bạn hãy dành 15 – 20 phút cuối để kiểm tra lại lịch làm việc. Những gì đã làm xong trong ngày hôm nay thì bạn nhớ đánh dấu và lên kế hoạch làm việc cho ngày mai, những gì quan trọng làm trước. Hành động này vừa giúp bạn quản lý công việc dễ dàng và hiệu quả, vừa giúp bạn không mất nhiều thời gian suy nghĩ mình phải làm gì trong ngày mai.

Theo Vietnamworks.com

"Sống chung" với công việc bạn ghét

Làm công việc bạn ghét thật chẳng dễ chút nào! Tuy nhiên, không phải ai cũng dám từ bỏ ngay công việc đó trước khi có được một công việc khác. Bạn vẫn phải vui vẻ chịu đựng nó cho đến khi kiếm được một công việc mới. Dù bạn đang “mắc kẹt” với công việc hiện tại để trang trải cuộc sống hay chịu đựng để chờ một cơ hội mới, hãy khám phá những mẹo sau để bạn luôn sống vui với công việc hiện tại

Mỗi tuần một mục tiêu

Hãy chú ý đến “phần thưởng” mình nhận được khi hoàn thành công việc, bạn sẽ dễ dàng làm việc hơn. Ngay cả khi bạn ghét công việc hiện tại, vẫn còn những điều có thể khiến bạn vui vẻ. Hãy xác lập mục tiêu của từng tuần làm việc để giúp bạn tìm cơ hội nghề nghiệp mới. Mỗi tuần bạn có thể phấn đấu gửi đi 5 hồ sơ tìm việc hoặc tham gia một buổi networking. Xác lập những mục tiêu như vậy sẽ cho bạn một cái đích để nhắm đến.

Mỗi ngày làm một việc để tiến gần đến mục tiêu

Bạn không nhất thiết phải đạt hết tất cả mục tiêu chỉ trong một ngày mà hãy phân bổ chúng ra nhiều ngày. Buổi sáng thức dậy, bạn hãy xác lập mục tiêu của ngày hôm ấy và đảm bảo mình sẽ thực hiện tốt. Thành quả đạt được sẽ đem lại cho bạn cảm xúc tuyệt vời và giúp bạn cảm thấy hài lòng về sự tiến bộ của bản thân.

Thư giãn một chút trước khi bắt đầu làm việc

Một khi đã không thích công việc, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy tệ hại hơn nếu đến công ty một cách gấp gáp, căng thẳng và mệt mỏi rã rời. Hãy dành chút thời gian thư giãn, để tinh thần thư thái trước khi bắt tay vào việc.

Chào buổi sáng, chào xinh tươi!

Hãy thết đãi bản thân một tách cà phê thơm ngon vào sáng sớm, thưởng thức tờ báo bạn thích, hoặc chỉ đơn giản là chọn một giai điệu vui nhộn cho chuông đồng hồ báo thức. Một buổi sáng sảng khoái sẽ tác động rất tích cực đến thời gian còn lại trong ngày hôm đó của bạn.

Tạo thú tiêu khiển cho bản thân

Có phải trong lúc ở công ty bạn chỉ mong mỏi được ra ngoài? Có phải tiếng chuông điện thoại reo liên tục làm bạn phát điên? Hãy làm điều gì đó để giúp mình phấn chấn hơn khi ở công ty. Hãy chọn một bức ảnh thiên nhiên vùng nhiệt đới để làm trình bảo vệ màn hình (screensaver) cho máy tính của bạn, chọn lịch bàn có những câu châm ngôn khích lệ tinh thần, nghe nhạc trên máy tính hay iPod, và nên đi ăn trưa bên ngoài công ty.

Tranh thủ phát triển kỹ năng

Không thích công việc không có nghĩa là bạn không thể học hỏi những kỹ năng mới. Hãy tranh thủ thời gian để biến mình trở thành một ứng viên hoàn thiện hơn. Nếu công ty của bạn có tổ chức các khóa đào tạo, hãy tận dụng chúng. Hãy dùng thời gian rảnh trong giờ làm việc để học kiến thức mới trên mạng. Đọc một cuốn sách về quản trị trong lúc ăn trưa. Hãy biến công việc nhàm chán thành cơ hội phát triển năng lực bản thân.

Rũ bỏ sự căng thẳng

Mỗi người thường có những hoạt động riêng để thư giãn và loại bỏ căng thẳng. Bạn có thể chạy bộ sau giờ làm việc, đi bơi vào giờ nghỉ trưa hoặc đi bộ đường dài. Hãy đưa những hoạt động này vào kế hoạch làm việc, bạn sẽ luôn có điều gì đó để mong đợi mỗi ngày.

Chăm sóc bản thân

Để bù đắp cho sự chán chường khi ở công ty, hãy tìm những hoạt động nho nhỏ để tự thưởng cho bản thân như mua một cuốn truyện hay, đi ăn kem, mua hoa, mua một bộ cánh mới cho buổi phỏng vấn sắp tới hay lên kế hoạch đi du lịch. Hãy cố gắng khám phá những điều có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong tâm hồn.

Duy trì hiệu quả làm việc

Dù tình hình hiện tại ra sao, bạn cũng phải tiếp tục công việc và làm tốt nó. Hãy xác lập mục tiêu hiệu quả công việc bạn cần đạt được và dùng những thành tích đó để “ghi điểm” trong những cuộc phỏng vấn trong tương lai.

Trân trọng những mối quan hệ tại công ty

Thế giới này rất nhỏ bé, bạn chẳng thể biết khi nào mình sẽ lại gặp những đồng nghiệp cũ. Vì thế, đừng làm tổn hại bất kỳ mối quan hệ nào ở công ty chỉ vì bạn không cảm thấy thoải mái. Hãy giữ địa chỉ liên hệ của những người bạn quen và duy trì quan hệ tốt với họ. Sau này, bạn có thể sẽ cần một trong số họ giới thiệu hay đưa ra nhận xét tốt về bạn.

Luôn nỗ lực để thay đổi

Hiện tại, bạn có thể cảm thấy mình sẽ mãi mãi “mắc kẹt” trong công việc này. Hãy lạc quan lên và nhớ rằng chính bạn mới là người quyết định vận mệnh của mình. Hãy tìm hiểu thông tin tuyển dụng liên quan đến các vị trí khác trong công ty và nỗ lực tìm kiếm công việc mới ở bên ngoài.

(Theo careerbuilder.com)

7/5/09

6 công cụ miễn phí để quản lý danh tiếng trực tuyến

Việc quản lý danh tiếng trực tuyến bao gồm hai nhiệm vụ: theo dõi thương hiệu và phản ứng khi cần thiết. Dù đôi khi công việc giám sát thương hiệu có vẻ chán ngắt nhưng nó có thể giúp công ty bạn tránh được thảm họa tiềm ẩn: ai đó nêu tên công ty bạn trong một bài viết có tính chất xuyên tạc về công ty. Ngoài chức năng phòng vệ, việc làm này còn giúp bạn tham gia vào những cuộc thảo luận xoay quanh các vấn đề của công ty, từ đó giúp quảng bá hình ảnh công ty ra bên ngoài nhiều hơn. Năm 2010 đã gần kề … và nếu không chủ động xuất hiện trực tuyến, bạn sẽ đánh mất nhiều cơ hội quý báu để khiến cả thế giới phải biết đến giá trị của công ty mình – thông qua nhiều kênh như báo chí, bài viết trên blog, thông tin mô tả trong mạng xã hội, comment (bình luận), video và nhiều phương tiện khác nữa.

Với vai trò là người tạo ra và sử dụng nội dung, tên tuổi công ty bạn sẽ lan tỏa ra khắp mạng lưới nhờ những người mà thậm chí bạn không hề quen biết. Nghiên cứu của công ty IDC đã hé lộ một sự thật là nội dung mà người khác viết về công ty bạn thậm chí còn nhiều hơn những gì bạn viết về chính công ty mình.
Một phần thương hiệu của bạn giờ đây đang nằm trong tay người khác, chính vì thế việc giám sát thương hiệu phải giữ vai trò cực kỳ quan trọng trước khi một ngọn lửa nhỏ biến thành một trận cháy rừng.

Bạn có biết người khác nói gì về mình?

Nếu bạn muốn biết cách theo dõi sự hiện diện của công ty mình và giám sát thương hiệu của công ty thì quả thật bạn đã gặp may. Sau đây là 6 công cụ hàng đầu có thể phục vụ kế hoạch quản lý danh tiếng trực tuyến của công ty bạn. Những công cụ này có thể được ứng dụng cho sản phẩm, thương hiệu công ty hay thậm chí là thương hiệu cá nhân. Hãy sử dụng chúng để tìm kiếm, định vị và phản hồi khi cần thiết.

1. Google – Google.com/alerts

· Định nghĩa: Google Alerts hiển thị những tin tức mới nhất gửi đến email của bạn, nó căn cứ theo kết quả tìm kiếm mới nhất của Google dựa trên lựa chọn của bạn về chủ đề hoặc lĩnh vực mà bạn quan tâm. Bạn có thể đăng ký nhận thông báo tin tức qua email hoặc chức năng RSS.

· Ứng dụng: Nhiều người sử dụng công cụ RSS để xem tin tức cập nhật còn các công ty PR thì sử dụng chức năng thông báo này để theo dõi chiến dịch PR của mình. Bạn có thể theo dõi một bài phóng sự, cập nhật diễn biến mới nhất trong ngành và của đối thủ cạnh tranh và xem ai đang viết về công ty mình, tất cả những việc ấy đều có thể tiến hành cùng một lúc.

· Chiến lược marketing: Hãy thiết lập một chế độ thông báo toàn diện có khả năng cập nhật tất cả những câu chuyện có nhắc đến tên, chủ đề hay công ty của bạn ngay khi chúng vừa xuất hiện. Vì bộ phận lọc tin thường luôn đầy ắp tin bài theo yêu cầu nên bạn cần tạo lập một cơ sở dữ liệu về những blogger và nhà báo để có thể tiếp cận họ trực tiếp và xây dựng quan hệ tốt hơn.

2. Bài viết trên blog – Technorati.com

· Định nghĩa: Nếu bạn có viết blog thì hẳn nhiên bạn cần phải sử dụng Technorati, công cụ tìm kiếm blog có quy mô lớn nhất thế giới. Khi bạn đăng ký sử dụng dịch vụ của Technorati, nó sẽ theo dõi “phản hồi trên blog” hay những blog nào có liên kết với blog của bạn.

· Ứng dụng: Tìm kiếm tên công bạn trên Technorati và đăng ký chức năng thông báo RSS để khi nào có ai đó viết về công ty bạn trên blog, bạn sẽ nhận biết ngay.

· Chiến lược marketing: Sử dụng Technorati để theo dõi bất kỳ blog nào kết nối với blog của bạn. Và khi bạn viết một entry có liên quan đến họ, hành động trên sẽ giúp tăng cường khả năng nhận biết của họ dành cho blog/tiếng tăm của công ty bạn.

3. Comment trên blog – backtype.com

· Định nghĩa: Gần đây có một dịch vụ mới ra đời để giải quyết vấn đề quản lý comment trên blog. Hãy chú ý đến điều này. Một ai đó có thể comment về công ty bạn trên hàng loạt blog vì thế nếu bạn chỉ theo dõi các entry thì chắn chắc sẽ bỏ sót những comment đó. BackType dịch vụ cho phép bạn tìm kiếm, theo dõi và chia sẻ comment của mình trên web. Bất kỳ khi nào bạn viết một comment trên blog người khác có kết nối với trang blog của mình, BackType sẽ lưu lại cho bạn.

· Ứng dụng: Sử dụng BackType để nhắc nhở mình về những blog mà bạn đã vào comment, khám phá ra ai những người có ảnh hưởng cao và những blog họ đang comment mà bạn nên xem và tiếp tục đoạn hội thoại còn dở dang khi chính bạn là người khởi xướng trước đó.

· Chiến lược marketing: Thiết lập một danh sách những người có ảnh hưởng lớn trong phạm vi hoạt động của công ty bạn. Sau đó, bạn theo dõi comment của họ qua các blog và để lại comment của chính mình ngay sau comment của họ. Hành động này sẽ giúp bạn tạo dựng thương hiệu nhờ sự “ăn theo” này.

4. Nhóm thảo luận (discussion board) – boardtracker.com

· Định nghĩa: Bên cạnh blog và những bài phóng sự truyền thống, nhóm thảo luận là một kênh khác mà mọi người có thể tập trung thành một cộng đồng và nói về công ty bạn. Hầu hết mọi người đều không để ý đến kênh thảo luận nhóm này cho đến khi thấy những trang web khác comment về thông tin trích theo quan điểm của các nhóm thảo luận ấy.

· Ứng dụng: Sử dụng boardtracker.com để nhận được thông báo ngay tức thì về những bài viết nêu tên công ty bạn trong các nhóm thảo luận.

· Chiến lược marketing: Tìm kiếm tất cả nhóm thảo luận nào có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của công ty bạn và tham gia vào từ 2 đến 5 nhóm thảo luận sôi nổi nhất. Để biết được mức độ phổ biến của từng nhóm thảo luận, bạn có thể căn cứ vào số lượng bài thảo luận và thành viên đăng ký. Tham gia vào các cộng đồng ấy bằng cách khởi xướng chủ đề đồng thời để lại tên và URL (đường link) của công ty bạn ngay bên dưới mỗi bài viết.

5. Twitter – search.switter.com

· Định nghĩa: Twitter là một dịch vụ hỗ trợ blog siêu nhỏ, hiện đang cung cấp dịch vụ cho hơn 3 triệu người dùng. Tin nhắn được gửi qua Twitter (gọi là tweet) di chuyển với vận tốc ánh sáng nên nếu bạn không nắm bắt được chúng, chúng sẽ phát tán nhanh như virus vậy.

· Ứng dụng: Sử dụng chức năng tìm kiếm của Twitter, bạn có thể phát hiện bất kỳ tin nhắn nào có xuất hiện tên của công ty bạn và phản hồi (hay im lặng).

· Chiến lược marketing: Khi bạn thấy một tin nhắn có nhắc đến tên công ty mình, bạn nên sử dụng ký tự @ kèm theo tên tài khoản của người viết tin nhắn (ví dụ như @danschawbel) khi phản hồi. Khi bạn phản hồi, bạn bắt đầu xây dựng độ nhận biết cho thương hiệu công ty và người xem tin nhắn của bạn sẽ có cảm giác rằng thật sự quan tâm và chủ động lắng nghe.

6. FriendFeed – friendfeed.com/search

· Định nghĩa: FriendFeed là một công cụ tập hợp xã hội. Giống như khi sử dụng Youtube, Delicious, Twitter, blog hay Flickr, bạn có thể gom tất cả quan hệ xã hội của mình vào một (Friend) feed, một thư mục có chức năng cập nhật và chia sẻ thông tin tóm tắt mới nhất của một trang web liên kết.

· Ứng dụng: Bạn có thể tiến hành tìm kiếm thương hiệu của công ty mình trong toàn bộ mạng xã hội cùng một lúc nhờ vào công cụ tìm kiếm của trang web này. Ngoài việc biết được video hay tin nhắn nào có liên quan đến lĩnh vực của mình, bạn còn có thể phân tích những comment mà mọi người bày tỏ.

· Chiến lược marketing: Sử dụng chức năng quản lý FriendFeed (friendfeed.com/embed/widget) và bày nó trên blog hay website của công ty bạn để mọi người có thể cảm nhận được hoạt động truyền thông xã hội mà bạn đang thực hiện. Đồng thời, bạn có thể tìm kiếm và xác định những ai đang nói về thương hiệu công ty mình trên FriendFeed và phản hồi họ bằng comment.

Bạn có thể sử dụng cả 6 công cụ miễn phí trên để vừa quản lý, vừa tiếp thị thương hiệu của công ty mình trực tuyến.

Bạn có thể không chăm lo cho danh tiếng trực tuyến của công ty mình, nhưng người khác thì quan tâm. Đã đến lúc cần biết người ta đang nói gì – và có động thái phản hồi nào đó. Việc marketing cho đối tượng người đọc blog hay web của công ty bạn sẽ trở nên suôn sẻ sau khi bạn hoàn thành bài tập về nhà với 6 công cụ trên.

(Theo Bw Portal)

17 lời khuyên Google cho website doanh nghiệp

Sau đây là những lời khuyên hữu ích dành cho chủ nhân các trang web khi sử dụng 3 công cụ của Google bao gồm: Analytics, AdSense, AdWords.
Từ một blogger chân ướt chân ráo bước vào thế giới online, đến một cá nhân sở hữu trang web từ nhiều năm, chắc hẳn ai cũng muốn hái ra tiền từ trang web của mình.

Với công cụ Google Analytics, bạn có thể dễ dàng theo dõi lưu lượng người truy cập cũng như các địa chỉ trỏ tới trang web. Google AdSense sẽ đặt những mẩu quảng cáo nhỏ có nội dung liên quan đến trang web của bạn. Bạn sẽ nhận được tiền sau mỗi cú click chuột của khách truy cập. Cuối cùng, Google AdWords cho phép bạn tuỳ biến quảng cáo, chọn từ khoá thích hợp, giúp trang web bạn thân thiện hơn với các công cụ tìm kiếm.

Google Analytics

1. Nắm vững những khái niệm cơ bản

  • Visits là số lượng phiên truy cập vào trang web - số lần khách ghé thăm trang web
  • Bounce Rate là tỷ lệ phần trăm khách vãng lai, những người chỉ vào xem trang đầu tiên rồi bỏ đi ngay.
  • Page View là số lần trang web được tải bởi trình duyệt
  • Average Time on Site là thời gian trung bình khách truy cập lưu lại trên web.
  • % New Visits là số phiên truy cập - số lần ghé thăm trang web từ những vị khách mới.

2. Hiểu rõ nguồn lưu lượng.

Direct Traffic là lượng khách truy cập web trực tiếp bằng cách gõ địa chỉ web lên URL hoặc vào từ bookmark.

Referring URLs là những trang web chuyển lưu lượng khách truy cập đến trang của bạn, có thể là từ banner quảng cáo hoặc liên kết trực tiếp

Search Engines: các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, MSN, v.v...

Other: các nguồn khác chẳng hạn như e-mail quảng cáo v.v...

3. Quyết định báo cáo nào quan trọng nhất.

Nhận xét xem xu hướng tăng trưởng bắt nguồn từ đâu trong khoảng từ 3 đến 6 tháng gần nhất. Từ những nguồn miễn phí hay có phí? Những nỗ lực để thu hút khách truy cập từ những nguồn khác đã thành công chưa?

Đào sâu nghiên cứu những trang web, từ khoá, cụm từ khoá mang lại lượng khách truy cập lớn để nắm được tâm lý độc giả.

Tăng cường chăm sóc, cải thiện những trang có chỉ số Bounce Rate cao.

Đảm bảo rằng chiến dịch quảng cáo không làm tăng chỉ số Bounce Rate

Xác định rõ những trang chủ chốt để tính toán đầu tư.

4. Đặt bản thân vào vị trí khách truy cập.

Xem xét những liên kết thu hút nhiều cú click chuột.

Thử vào liên kết đó và nghĩ xem người ta sẽ làm gì tiếp.

Kiểm tra lượng người chuyển đến mỗi trang. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn chỉ số Bounce Rate.

5. Tập trung vào kết quả.

Xác định những sự cải tiến cần thiết với trang web.

Cân nhắc những cơ hội buôn bán.

Trả lời câu hỏi: Tại sao trang web tồn tại? Sau đó đi qua 4 bước nói trên nhằm xác định những điểm mấu chốt để đánh giá kết quả.

Google AdSense

1. Trước tiên bạn cần có một trang web với nội dung chấp nhận được và địa chỉ URL hợp lệ. Sau đó hãy đăng ký một tài khoản AdSense.

2. Chắc chắn rằng sau khi đặt quảng cáo lên, giao diện trang web của bạn vẫn hấp dẫn. Cố gắng đừng để những mẩu quảng cáo trở nên lạc lõng trên trang web.

3. Đặt quảng cáo tại những vị trí tốt nhất trên web.

4. Tạo nhiều chuyên mục mới lạ, độc đáo. Những web có nội dung phong phú, chuyên mục mới lạ và thật nhiều trang sẽ có nhiều cơ hội dành cho quảng cáo hơn. Rõ ràng một web có 10 trang không thể kiếm được nhiều tiền bằng web có 50 - 500 trang.

5. Quảng bá trang web bằng cách gửi e-mail giới thiệu tới bạn bè và dẫn trang web của bạn tới tất cả các công cụ tìm kiếm để nội dung được đánh chỉ mục.

Google AdWords

1. Hiểu tâm lý độc giả.

Tính chính xác là chìa khoá tìm kiếm với những chương trình như Google AdWords. Bạn muốn hướng tới những độc giả nhất định vào thời điểm thích hợp. Hãy xem xét kỹ sản phẩm bạn rao bán, dịch vụ bạn cung cấp và khách hàng - những người có nhu cầu.

2. Xác định mục tiêu.

Một khi bạn có ý thức rõ ràng với công việc của mình, hãy tập trung vào việc làm cách nào để đến với khách hàng. Bạn cần nắm rõ đâu là mục tiêu tối thượng để đi tới thành công. Tổ chức từng chiến dịch dựa trên yếu tố đơn giản và hiệu quả, xác định rõ dòng sản phẩm chiến lược (cà phê, trà hay thiết bị máy móc), mục đích (mang tính thời vụ hay quảng bá)

3. Lựa chọn những từ khoá đắt giá.

Lựa chọn từ khoá là cả một nghệ thuật. Hãy lập một danh sách tất cả những từ khoá bạn nghĩ ra, rồi thu hẹp lựa chọn dần. Cố gắng đặt mình vào vị trí khách truy cập. Nghĩ xem những từ khoá nào tốt nhất và đặt cược vào nó để thu được tối đa hiệu quả.

4. Tạo những quảng cáo thật hấp dẫn.

Hãy làm những quảng cáo có sức hút, gây tò mò cho người xem, khiến họ cảm thấy cần phải click vào để tìm hiểu nhiều hơn. Thường thì trong một mẩu quảng cáo, bạn có 3 câu ngắn gọn để lôi kéo sự chú ý của người xem. Để tạo một quảng cáo hiệu quả, hãy thử những mẹo sau:

Thêm từ khoá vào tiêu đề và phần mô tả.

Truyền đạt những ưu điểm nổi bật của sản phẩm.

Nhanh chóng đi vào trọng tâm.

Dùng từ mang tính gợi mở hành động, chẳng hạn như “Click vào đây”, “Đăng ký ngay”

Đặt liên kết trực tiếp tới trang web liên quan tới nội dung quảng cáo.

5. Hướng tới đúng nhóm đối tượng với quảng cáo phù hợp.

Một khi đã biết được những khách hàng tiềm năng, bạn có thể tập trung vào từng nhóm đối tượng cụ thể. Tạo những quảng cáo đa ngôn ngữ nếu bạn có chiến dịch quảng bá toàn cầu. Bạn cũng có thể nhắm tới từng khu vực riêng biệt theo vị trí địa lý, ví dụ như nơi doanh nghiệp bạn đang phục vụ.

6. Theo dõi chặt chẽ công việc.

Sau khi chiến dịch quảng bá đi vào giai đoạn thực hiện, hãy đánh giá hiệu quả thường xuyên. Theo dõi sát sao tất cả những chỉ số thống kê, báo cáo.

7. Cập nhật thường xuyên.

Duy trì đánh giá những kết quả bạn thu được. Ghi nhớ rằng phải không ngừng cải tiến, thử nghiệm những thứ mới mẻ. Đừng ngại thay đổi, đó là bí quyết thành công.

(Theo PCMag.com)

5/5/09

10 đặc điểm của một siêu sao bán hàng

Người bán hàng giỏi luôn luôn thu về lợi nhuận và đạt được doanh số cao. Vậy, những đặc điểm chung của họ là gì?

Kiên trì. Bán hàng hoặc kinh doanh đòi hỏi một khả năng kiên trì lớn. Những cản trở luôn luôn ở phía trước và đó là quy luật mà chúng ta phải đối mặt để nhận ra mức độ thành công. Và hầu hết những người bán hàng thành công đều biết cách đối mặt với những khó khăn trên con đường của mình. Họ luôn tìm kiếm những cách giải quyết mới. Họ kiên trì và không bao giờ từ bỏ.
Luôn theo đuổi mục tiêu. Họ biết mình muốn làm gì và đặt kế hoạch để theo đuổi. Họ luôn chắc chắn được rằng đó là mục tiêu lớn, thiết thực, có thể đạt được chứ không phải là thách thức mơ hồ. Họ hình dung được mục tiêu của mình, nhìn thấy được việc mà họ có thể đạt được mục tiêu đó như thế nào rồi hành động theo kế hoạch đã đề ra.
Luôn hỏi những câu hỏi chất lượng.
Những người bán hàng giỏi luôn hỏi khách hàng tiềm năng của mình nhiều câu hỏi sâu sắc để tìm ra nhu cầu của người mua. Họ biết rằng cách có hiệu quả nhất là thể hiện sản phẩm/dịch vụ sao cho nó khám phá ra nhu cầu, mục tiêu, mối quan tâm của khách hàng. Điều này cho phép họ truyền đạt có hiệu quả các đặc tính và lợi ích của sản phẩm phù hợp nhất với mọi khách hàng.
Lắng nghe.
Hầu hết những người bán hàng sẽ đặt ra câu hỏi khi đưa cho khách hàng câu trả lời hoặc tiếp tục nói không ngớt thay vì chờ lời đáp từ phía khách hàng. Những người bán hàng giỏi biết được khách hàng sẽ nói với họ mọi thứ mà họ cần phải biết. Họ biết hỏi những câu thông cảm và lắng nghe câu trả lời của khách hàng một cách cẩn thận và thông thường là note lại vào một cuốn sổ ghi chép, tóm tắt những lời phê bình của khách hàng mà họ còn chưa hiểu. Những người bán hàng giỏi luôn biết được rằng "Im lặng là vàng".
Đam mê.
Họ yêu công ty và tự hào khi giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ. Bạn càng đam mê công việc của mình thì bạn càng thành công. Lý do để giải thích điều này thật đơn giản: Khi yêu những gì bạn làm thì bạn sẽ đặt hết nỗ lực và công sức vào đó. Khi bạn đam mê về sản phẩm và dịch vụ thì sự nhiệt tình luôn luôn được thể hiện trong mọi cuộc nói chuyện. Ngược lại, nếu bạn không hào hứng với việc giới thiệu sản phẩm thì lẽ đương nhiên bạn sẽ chẳng bao giờ bán được hàng.
Nhiệt tình.
Họ luôn luôn thể hiện một thái độ tích cực trong công việc, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất và sự nhiệt tình này được lan truyền cho những đồng nghiệp khác. Họ không bao giờ ca thán về công ty hoặc công việc kinh doanh. Khi gặp phải những tình huống tiêu cực không hài lòng, họ luôn chú trọng đến các yếu tố tích cực thay vì nản lòng và bế tắc.
Có trách nhiệm cho mọi kết quả.
Khi không hoàn thành công việc, thất bại trong kinh doanh, họ không bao giờ đổ lỗi do khách quan, do nền kinh tế, do nhiều đối thủ cạnh tranh hay bất cứ điều gì khác. Mà hơn hết, họ nhận thấy mình có trách nhiệm cho sự đi xuống này.
Làm việc chăm chỉ.
Hầu hết mọi người muốn thành công nhưng họ lại không sẵn sàng làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó. Những siêu sao bán hàng không chờ cơ hội đến mà họ luôn săn đuổi chúng. Họ thường đi làm sớm và về muộn hơn những nhân viên khác. Họ tiến hành thường xuyên các cuộc gọi và gặp gỡ khách hàng nhiều hơn.
Giữ mối quan hệ tốt với khách hàng.
Họ biết rằng những mối liên lạc thường xuyên sẽ giữ được khách hàng vì thế họ sử dụng những cách tiếp cận khác nhau để thực hiện điều này. Họ gửi những lá thư cảm ơn, các thiếp chức mừng cho khách hàng. Họ lên lịch gặp khách hàng, giữ khách hàng bằng những bữa sáng, cafe nhẹ. Họ gửi các bài báo tới mọi khách hàng hiện tại và tương lai. Họ thường tìm kiếm những cách sáng tạo để giữ tên của họ trong trí nhớ khách hàng.
Thể hiện giá trị.Sự cạnh tranh luôn diễn ra khốc liệt trên thị trường và hầu hết những người bán hàng nghĩ rằng giá cả là yếu tố có tác động tích cực đến người mua. Tuy nhiên, người bán hành thành công nhận thấy rằng giá cả là một yếu tố cần quan tâm trong mọi ngành kinh doanh nhưng nó hiếm khi là lý do để ai đó chọn một sản phẩm/dịch vụ đặc biệt nào đó. Họ biết rằng những người mua hiện nay thường mua hàng dựa trên những hiểu biết có giá trị mà anh ta nghe được từ người bán hàng. Và họ biết cách để tạo ra giá trị này cho mọi khách hàng.
Hiền Trang
Theo Businessknowhow
Nguồn bài viết: www.nguoilanhdao.vn

Tin tức Online