Links

28/2/13

CHUYỆN NHỎ !

"Thằng Rái Cá"

Ở một vùng quê bên nước Anh, có gia đình nọ chuyên nghề làm vườn, gồm hai vợ chồng và đứa con trai duy nhất. Vì hoàn cảnh quá nghèo nên cậu con chưa học hết tiểu học đã phải ở nhà giúp đỡ cha mẹ việc trồng tiả, hoặc đôi khi lên rừng lấy củi, kể cả việc câu cá ở một cái hồ lớn rất đẹp gần nhà để thêm lương thực cho bữa ăn. Trong các việc làm phụ giúp cha mẹ, cậu bé thích nhất là đi câu, bởi vì mỗi buổi đi câu là mỗi lần được tắm, bơi thỏa thích. Cậu bơi tuyệt giỏi, đến mức bạn bè trong xóm gọi cậu là "thằng Rái Cá" (Otter boy).

Một hôm, khi "thằng Rái Cá" cắm xong mớ cần câu ở góc hồ, đang tính cởi áo nhào xuống nước bơi một tăng cho đã đời, thì nó thấy 3 chiếc xe limousine sang trọng trờ tới đậu ngay gần đó nên nó khớp không tắm nữa, leo lên cây đại lăng ở cạnh hồ, núp mình trong tàng lá để canh chừng cần câu và cũng để ngắm nhìn toán du khách sang trọng.
Toán du khách đó chính là một gia đình giầu có, quyền qúy, vào hàng đệ nhất qúy tộc của vương quốc Anh. Họ từ thủ đô Luân Đôn đi du ngoạn miền quê, thăm dân cho biết sự tình. Dưới trời nắng đẹp ấm áp, một cái tăng lớn được căng lên lộng lẫy. Bàn ghế picnic bầy ra và thức ăn, cao lương mỹ vị dọn tràn đầy. Tiếng nhạc êm đềm réo rắt tỏa vang rồi đoàn du khách nhập tiệc. Kẻ ăn, người uống, kẻ khiêu vũ, người chụp hình ...
Một lát sau, "thằng Rái cá" ngồi thu mình trên cành cây đại lăng, nhìn thấy một đứa trẻ trong đám du khách, chắc cũng 11, 12 tuổi, cỡ tuổi nó, thay đồ tắm và lội xuống hồ bơi qua bơi lại. Dường như những người lớn chăm chú vào việc ăn uống chuyện trò, không mấy ai để ý đến đứa trẻ ở dưới hồ. Riêng "thằng Rái Cá" nó tò mò quan sát đứa trẻ...
Ồ, coi kìa, thằng này bơi gì dở ẹc! Rõ ràng là nó không biết bơi ếch, bơi sải, bơi bướm gì cả, đến bơi ngửa chắc cu cậu cũng chẳng làm được! Nó chỉ đập loạn tay chân lên thôi, cái điệu bơi chó như thế là không khá được!
Chợt "thằng Rái Cá" nhoài mình ra chăm chú nhìn. Nó thấy 2 con thiên nga từ xa bơi tới phía đứa trẻ và đứa trẻ chắc là thích con thiên nga nên bơi theo ... Chết chưa ! Nó bơi tuốt ra xa quá rồi, chỗ đó rất sâu, nguy hiểm lắm! Đúng lúc đó, có tiếng thét cấp cứu của đứa trẻ "Help me! Help...Help! !!" Toán du khách khi ấy kịp nghe và nhìn thấy, nhưng thay vì phải nhào ra cứu đứa trẻ thì họ ồn ào, nhốn nháo cả lên. Hai ba người xuống hồ với cả áo quần, nhưng chỉ lội ra nước đến cổ thì đứng lại.

Trời đất! Hóa ra chẳng ai biết bơi cả mà ngoài xa đứa trẻ đuối sức có vẻ muốn chìm rồi!
Không đợi lâu hơn được nữa, từ trên cành cây cao, "thằng Rái cá" phóng xuống chạy bay ra hồ trước con mắt ngạc nhiên của tất cả đoàn du khách. Tới bờ cao, nó nhún mình lao xuống nước trong tư thế plunge tuyệt đẹp và chỉ loáng mắt đã sải tay bơi tới chỗ đứa trẻ bị nạn. Nó hụp lặn xuống xốc nách đứa trẻ và như một chuyên viên rescue lành nghề, nó nghiêng người bơi sải từ từ vào bờ trước sự chứng kiến xúc động và tràng pháo tay reo mừng của mọi người. Khi tới bờ, đứa trẻ bị nạn được nhiều người xúm lại khiêng lên đưa vào giữa tăng và tại đó có sẵn một vị bác sĩ (trong toán du khách) lo việc cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, không khí an toàn tươi vui trở lại với mọi người trong toán du khách. Đứa trẻ qua tai nạn hiểm nguy, bây giờ quấn mình trong chiếc mền len và đang được uống mấy muỗng soup. Lúc ấy người ta mới chợt nhớ tới vị ân nhân vừa cứu sống nó.
 

- Ô hay, cái thằng bé con bơi giỏi hồi nãy đâu rồi nhỉ ?

Mọi người đổ xô đi tìm. Lát sau phát giác ra chỗ ẩn của nó. "Thằng Rái Cá" trèo lên ngồi yên chỗ cũ, trên cành cây đại lăng. Nó được gọi xuống và trịnh trọng đưa tới trình diện trước một vị quý tộc, ông này chính là cha của đứa trẻ vừa bị nạn.
- Hỡi con, (vị quý tộc nói với "thằng Rái Cá") con vừa làm một chuyện vĩ đại mà tất cả chúng ta đây không ai làm được. Ta xin thay mặt toàn thể cám ơn con.
- Bẩm ông, ("thằng Rái Cá" lễ phép thưa) con có làm gì vĩ đại đâu! Bơi lội là nghề của con mà! Con cứu em là chuyện nhỏ, chuyện phải làm và cũng là chuyện thường đâu có gì khó khăn vĩ đại. Xin ông đừng bận tâm !
- Không đâu con ơi ! con đã cứu mạng con trai ta. Gia đình ta và hội đồng quý tộc mãi mãi mang ơn con. Nay ta muốn đền ơn con, vậy con muốn điều gì hãy nói cho ta biết.
"Thằng Rái Cá" nghe hỏi vậy, ngập ngừng giây lát rồi ngỏ ý muốn xin vài ổ mì dư thừa đem về cho cha mẹ. Lòng hiếu thảo của nó đã khiến cho vị
quý tộc và nhiều du khách cảm động rơi lệ. Vị quý tộc ôm nó vào lòng và nói:
- Hỡi con, điều con vừa xin là chuyện nhỏ, và đó chính là bổn phận của ta, ta biết ta sẽ phải làm gì cho con và gia đình con. Nhưng câu hỏi của ta là sau này lớn lên con ước mơ sẽ làm gì ?
"Thằng Rái Cá" chỉ tay vào vị bác sĩ khi nãy cấp cứu hồi sinh cho đứa trẻ bị nạn, trả lời:
- Lớn lên, con muốn làm việc cứu người như ông kia.

- Ồ, con muốn làm bác sĩ, tốt lắm! Với ta đó cũng là chuyện nhỏ thôi, ta sẽ giúp con.

Câu chuyện nhỏ trên đây có phần kết luận không nhỏ mà thật là vĩ đại, bởi vì đứa trẻ bị chết đuối hụt có tên là Winston Churchill, sau này là vị Thủ Tướng đã làm rạng danh nước Anh, một vĩ nhân cực kỳ tài giỏi lỗi lạc của thế giới vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.

- Còn "thằng Rái Cá", cậu bé đã cứu mạng Churchill tên là Fleming, sau này trở thành vị bác sĩ tài ba lừng danh hoàn cầu. Fleming, chính là nhà bác bọc đã tìm ra thuốc trụ sinh Penicilin, cứu mạng biết bao nhiêu người trên thế giới. Ông đích thực là vị ân nhân vĩ đại của cả nhân loại.
Từ khởi đầu, chuyện chỉ là một chuyện nhỏ, sự hy sinh, vị tha, sự cho đi rất nhỏ nhoi! Nhưng nhờ đó, thành quả sau này đem đến cho cả nhân loại đã vô cùng lớn lao kỳ vỹ.

 
Câu chuyện còn thêm cho phần kết luận điều lý thú nữa, là một ngày nọ, thủ tướng Churchill bị lâm trọng bịnh đến nỗi đã hôn mê, nhiều bác sĩ phải lắc đầu. Tính mạng ông ở vào lúc nguy kịch nhất, thì Fleming xuất hiện như một tiền duyên định mệnh và vị bác sĩ tài ba này, đã lại một lần nữa cứu sống người bạn cố tri của mình. Khi tỉnh dậy sau cơn mê, mở mắt ra nhìn thấy Fleming, Churchill ngạc nhiên xúc động và nói rằng:
- Fleming ! Có phải cứ mỗi lần tôi sắp chìm, Chúa lại cho bạn tới vớt tôi lên?
- Churchill, chúng ta hãy cám ơn Chúa ! Nhưng không hẳn là tôi, (Fleming giơ ra một viên thuốc nhỏ tí xíu) bởi cái này đây, chính cái này đã cứu bạn đó ... Chuyện nhỏ mà!
Nguồn: [Đọc trên internet và chia sẻ....]

P/s:
Alexander Fleming - nhà vi trùng học nổi tiếng nước Anh

Alexander Fleming sinh ngày 6-8-1881 trong một trang trại gần thành phố Darvel nước Anh
Ông là người có công tìm ra chất Penicillin - thuốc kháng sinh ngày nay- cứu sống hàng triệu sinh mạng. Nhờ phát minh này, tên tuổi Alexander Fleming nổi tiếng khắp thế giới và nổi tiếng mọi thời đại.
Nhiều bác sỹ cho rằng Penicillin là tiến bộ y học lớn nhất mà thế giới đã biết từ trước đến giờ. Nhờ có Penicillin, những nhiễm khuẩn thông thường đã bị đẩy lùi. Nhiều loại Penicillin bây giờ đã được sản xuất, được cấu trúc một cách chuyên biệt cho các bệnh nhiễm khuẩn riêng biệt bằng đường uống cũng như tiêm. Có thể nói Penicillin đã làm thay đổi thế giới.
Năm 1945, Alexander Fleming được nhận Giải thưởng Nobel cùng với Chain và Florey, những người đưa Penicillin vào quy trình công nghệ sản xuất ở Mỹ.
Ông đột ngột qua đời vào ngày 11-3-1955 tại Luân Đôn, Anh

23/2/13

Những viên đá cuộc đời

Một giáo sư nổi tiếng của trường Quốc Gia Hành Chánh được mời trình bày cho 15 nhà lãnh đạo các công ty lớn về đề tài : Làm thế nào để lập kế hoạch thời gian tốt nhất ?

Ông có một giờ để truyền đạt nội dung đề tài.

Trước nhóm người ưu tú này, ông bình thản nhìn từng người rồi nói : “Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc thí nghiệm nhé”.

Từ gầm bàn, vị giáo sư lấy lên một bình thủy tinh lớn khoảng 4 lít và khẽ đặt xuống trước mặt mọi người. Sau đó, ông lấy ra hơn một chục viên đá lớn cỡ quả banh tennis và đặt cẩn thận từng viên vào bình.

Khi bình đầy đến miệng không thể bỏ thêm viên đá nào được nữa, ông ngẩng đầu lên nhìn nhóm học viên và hỏi : “Bình đã đầy chưa nào ?”

Cả lớp trả lời : “Rồi ạ”.

Ông đợi thêm vài giây rồi hỏi tiếp : “Thật chứ ?”

Rồi ông lại cúi xuống và lôi ra từ dưới bàn một túi đầy sỏi. Ông tỉ mỉ đổ sỏi lên đá rồi lắc nhẹ bình. Những hòn sỏi len qua đá và xuống… tận đáy bình. Vị giáo sư lại đưa mắt lên nhìn cử tọa và hỏi : “Bình đã đầy rồi chứ ?”

Lần này những học viên đã hiểu ý ông. Một người trong bọn họ thưa : “Có lẽ là chưa ạ !”

Ông trả lời : “Hay lắm !”

Ông lại cúi xuống và lần này ông lấy ra một túi cát. Ông cẩn thận đổ cát vào bình. Cát lại bít kín những lỗ hổng giữa đá và sỏi. Một lần nữa ông lại hỏi : “Bình đã đầy chưa ?”

Lần này, không ngập ngừng, học viên đồng loạt đáp : “Thưa, chưa ạ !”

Vị giáo sư lại nói : “Hay lắm !”

Đúng như các học viên dự đoán, ông cầm bình nước trên bàn và đổ đầy đến miệng bình thủy tinh lớn. Ông ngẩng đầu lên nhìn nhóm học viên và hỏi : “Thế anh chị nghĩ là chân lý nào được chứng minh qua thí nghiệm này ?”

Nghĩ đến chuyên đề buổi học, người học viên bạo dạn nhất nhóm trả lời cách xác đáng :

“Điều đó chứng minh rằng ngay cả khi ta tưởng lịch sinh hoạt của mình đã kín, nếu ta thật sự muốn, ta vẫn sắp xếp được thêm nhiều cuộc gặp gỡ, thêm nhiều việc cần làm ạ.”

“Không, vị giáo sư trả lời, không phải vậy đâu. Chân lý quan trọng thí nghiệm này chứng minh cho ta là : nếu ta không bỏ trước vào bình những viên đá lớn, thì sau đó ta không thể để hết mọi thứ vào bình được”.

Theo sau là một khoảng thời gian lắng đọng, mọi người đều nghiệm thấy điều này thật có lý.

Vị giáo sư liền nói : “Những hòn đá lớn trong cuộc đời anh chị là gì ?

Sức khỏe ? Gia đình ? Bạn bè ? Thực hiện những ước mơ ? Làm những gì mình yêu thích ? Học hỏi ? Nghỉ ngơi ? Bảo vệ một lý tưởng ? Hoặc bất cứ thứ gì khác ?”

“Điều nên nhớ là hãy sắp xếp những viên đá lớn trong đời ta trước. Thay vì để cho những điều nhỏ nhặt (sỏi, cát), lấp đầy đời ta bằng những điều vớ vẩn, ta sẽ không có đủ thời gian cho những điều quan trọng.

Vậy luôn hãy nhớ câu hỏi này :“Đâu là những viên đá lớn trong đời tôi ? Và hãy dành thời giờ ưu tiên cho chúng”.

Nói xong, vị giáo sư chào cử tọa và từ từ bước ra khỏi phòng.
(Sưu tầm từ internet)

Tin tức Online